Multimedia Đọc Báo in

Phê duyệt quy hoạch tổng thể sản xuất nông nghiệp

15:35, 05/02/2012
Bảo vệ quỹ đất lúa ổn định từ năm 2020 là 3,812 triệu ha, đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh tiên tiến để đạt sản lượng 41-43 triệu tấn vào năm 2020 và 44 triệu tấn năm 2030, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu. 
 
Đây là một trong những định hướng quy hoạch sử dụng đất và phát triển sản xuất nông nghiệp theo ngành hàng đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt trong Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất sẽ giúp nâng cao năng suất sản xuất lúa gạo
Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất sẽ giúp nâng cao năng suất sản xuất lúa gạo. Ảnh: G.N
Về quy hoạch sử dụng đất, Quyết định nêu rõ, khai hoang mở thêm đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản từ năm 2011 đến năm 2020 khoảng 1,1 triệu ha; bao gồm cho trồng lúa 37.000ha, cây hàng năm 60.000ha, cây lâu năm 100.000ha, trồng rừng 930.000ha. 
 
Đất sản xuất nông nghiệp năm 2020 là 9,59 triệu ha, giảm 580.000ha so với năm 2010. Đất lâm nghiệp đến năm 2020 là 16,2-16,5 triệu ha, tăng thêm 879.000ha so với năm 2010. Đất nuôi trồng thủy sản 790.000ha, tăng thêm 99.700ha so với năm 2010. Đất sản xuất muối ổn định ở 14.500ha, trong đó sản xuất muối công nghiệp 8.500ha. 
 
Đối với sản xuất lúa, bảo vệ quỹ đất lúa ổn định từ năm 2020 là 3,812 triệu ha, trong đó lúa nước 2 vụ trở lên là 3,2 triệu ha, áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh tiên tiến để đạt sản lượng 41-43 triệu tấn năm 2020 và 44 triệu tấn năm 2030, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu. Chế biến lúa gạo, đầu tư công suất chế biến công nghiệp đạt 25 triệu tấn/năm, đủ năng lực chế biến 60% tổng sản lượng thóc.
 
Đối với cây chè, diện tích đất bố trí ổn định lâu dài 140.000ha, tăng 10.000ha so với năm 2010. Áp dụng quy trình sản xuất chè sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng các giống chè mới năng suất và chất lượng cao để trồng mới và trồng tái canh đồng thời, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng 55% chè đen và 45% chè xanh. 
 
Bên cạnh cây chè thì diện tích đất bố trí cho cây cà phê là 500.000ha, vùng sản xuất chính là Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, duyên hải Bắc Trung Bộ. Định hướng phát triển cây cà phê bằng các hình thức kinh tế hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, tăng tỷ lệ càphê được chế biến ở quy mô công nghiệp từ 20% năm 2010, lên đến 40% năm 2015 và 70% năm 2020. 
 
Đối với cây cao su, định hướng giữ nguyên mục tiêu ổn định diện tích 800.000ha. Sau năm 2015, trên cơ sở đánh giá hiệu quả diện tích cao su đã trồng và quỹ đất của các vùng để xem xét điều chỉnh quy mô diện tích cao su phù hợp, hiệu quả và bền vững. Về chế biến cao su, sẽ cải tiến công nghệ, tạo cơ cấu sản phẩm hợp lý để nâng cao giá trị xuất khẩu. Từ nay đến năm 2020, phải đầu tư tăng thêm công suất chế biến là 500.000 tấn mủ khô/năm. Xây dựng các nhà máy sản xuất săm, lốp ô tô, xe máy... đưa tỷ trọng sử dụng mủ cao su trong nước lên tối thiểu 30% vào năm 2020.
 
Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc