Phòng chống dịch cúm gia cầm: Càng khó khi chủng vi-rút cúm đã biến đổi
Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, hiện dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 30 xã, phường của 23 huyện, quận thuộc 12 tỉnh, thành phố là: Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Trị, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hà Tĩnh và Quảng Nam. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 35.130 con. Dịch phát ra lẻ tẻ, rải rác và xuất hiện chủ yếu trên vịt.
Ảnh minh họa |
Theo nhận định của ngành chức năng, diễn biến của dịch càng phức tạp cũng như công tác phòng chống dịch càng gặp nhiều khó khăn khi thời tiết bất thường làm sức đề kháng của đàn gia cầm giảm; các hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm và di chuyển của người dân trong mùa lễ hội tăng cao. Đặc biệt nhiều đàn gia cầm đã hết miễn dịch hoặc được nuôi mới, trong khi chưa có vắc-xin phù hợp để tiêm phòng chủng vi-rút cúm đã biến đổi. Số liệu phân tích các mẫu vi-rút từ các ổ dịch cúm gia cầm cho thấy nhánh vi-rút mới của vi-rút cúm H5N1 lưu hành ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; nhánh vi-rút cũ vẫn lưu hành ở một số tỉnh phía Nam. Theo đó hiệu quả tiêm vắc-xin cũng thay đổi đối với từng nhánh vi-rút.
Do sự biến đổi của vi-rút cúm gia cầm, hiệu quả vắc-xin bị ảnh hưởng và đặc biệt Việt Nam chưa tự sản xuất được vắc-xin, vẫn phụ thuộc vào vắc-xin nhập khẩu từ Trung Quốc nên công tác phòng chống dịch cúm gia cầm càng khó khăn. Tại Hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch cúm gia cầm được tổ chức chiều 23-2, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết: Cố gắng đến cuối tháng 2 này, Bộ sẽ có kết quả khảo sát sự lưu hành của các chủng vi-rút cụ thể ở từng địa phương để xác định và có hướng hỗ trợ vắc-xin phù hợp.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc