Multimedia Đọc Báo in

Phấn đấu giảm 30% số ca tử vong do bệnh dại

15:00, 29/05/2012

Đó là một trong những mục tiêu được đặt ra tại Kế hoạch số 2665/KH-UBND ngày 22-5 của UBND tỉnh về việc khống chế và loại trừ bệnh dại giai đoạn 2012 - 2015.

Việc ban hành kế hoạch này nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng có chăn nuôi chó, mèo trên địa bàn tỉnh về bệnh dại và phòng chống bệnh dại; nâng cao chất lượng hệ thống giám sát bệnh dại ở động vật của ngành thú y và chính quyền địa phương các cấp; phấn đấu đạt các chỉ tiêu như: 80% đàn chó nuôi được quản lý và được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại; giảm 30% số ca tử vong do bệnh dại so với số tử vong trung bình của giai đoạn 2006 - 2012.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các cấp thành lập các đội chuyên trách bắt giữ chó thả rông ở khu đô thị, nơi đông dân cư hoặc chó nghi bị mắc bệnh dại; UBND cấp xã phải lập sổ theo dõi số lượng chó, mèo nuôi, số hộ nuôi chó, mèo trên địa bàn xã; thú y xã và trưởng thôn, buôn, tổ dân phố thống kê số lượng chó, mèo và hộ nuôi chó, mèo để quản lý; tuyên truyền đến mọi người thực hiện “5 không” (không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó, mèo không tiêm phòng bệnh dại; không nuôi chó thả rông; không để chó cắn người; không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường); chỉ đạo triển khai việc thực hiện tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo hàng năm theo kế hoạch của ngành thú y; tổ chức các hoạt động chống dịch khi có dịch bệnh dại xảy ra tại địa phương.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dại ở động vật trên địa bàn tỉnh như: xây dựng tài liệu tuyên truyền; tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ thú y địa phương; tổ chức tiêm phòng, cấp giấy chứng nhận tiêm phòng vắc-xin cho chó, mèo; tăng cường kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát các điểm mua bán, giết mổ chó, mèo… Khi có dịch bệnh cần tổ chức chống dịch theo quy định tại điều 18 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15-3-2005 của Chính phủ. Trong trường hợp cần thiết, Chi cục Thú y cần đề xuất với UBND tỉnh hoặc UBND các huyện, thị xã, thành phố được ủy quyền ra quyết định tiêu hủy chó, mèo trong vùng dịch. Đối với ổ dịch đầu tiên, Chi cục Thú y cần nhanh chóng gửi bệnh phẩm về Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh để chẩn đoán xác định bệnh.

T.H


Ý kiến bạn đọc