Rừng phòng hộ Quốc lộ 14 từ Buôn Hồ đến Ea H’leo: Cần sớm được “giải cứu”
Trước đây, khi đi dọc Quốc lộ 14 qua các huyện Ea H’leo, Krông Buk và thị xã Buôn Hồ, người đi đường không khỏi ấn tượng với những rặng thông vi vu, xanh mướt của rừng phòng hộ. Thế nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, những rặng thông tuyệt đẹp ấy gần như đang bị xóa sổ hoàn toàn. Dù đã là hơi trễ nhưng huyện Krông Buk đang nỗ lực “cứu vãn tình thế”.
Rừng thông bị “đánh” hội đồng
Rừng thông phòng hộ dọc QL 14 (đoạn qua thị xã Buôn Hồ, các huyện Krông Buk, Ea H’leo) có diện tích 2.047 ha do Liên hiệp Nông - Lâm - Công nghiệp Ea Súp trồng từ năm 1986 trở về trước. Trong quy hoạch của tỉnh Dak Lak, đó là rừng phòng hộ cho lưu vực Ea Súp ở phía tây và lưu vực sông Ba ở phía đông, đồng thời là “lá phổi xanh” che bóng mát, tạo cảnh quan đẹp và có tác dụng phòng hộ chống sạt lở, sụt lún, xuống cấp của QL 14. Năm 1997, rừng được giao cho Ban quản lý Dự án rừng phòng hộ QL 14 chăm sóc và bảo vệ.
Rừng thông tạo nên phong cảnh quyến rũ trên tuyến QL 14 |
Tuy nhiên, hoạt động của Ban quản lý Dự án rừng phòng hộ QL 14 không đạt hiệu quả như mong muốn khi diện tích rừng vẫn liên tục giảm. Thế nên đến năm 2004, rừng phòng hộ này được giao về cho các huyện Krông Buk, Ea H'leo, tổng diện tích còn lại lúc này là 757ha.
Với sự sâu sát của các cấp chính quyền sở tại, việc chặt phá rừng tạm lắng xuống. Thế nhưng từ đầu năm 2010 đến nay mức độ xâm hại mỗi lúc một nghiêm trọng. Trên đoạn đường khoảng 30 km từ xã Cư Pơng (Krông Buk) đến xã Ea Nam (Ea H’leo), tính đến thời điểm này, có hàng trăm hec-ta rừng thông bị chặt phá. Ngoài việc người dân phá rừng lấy đất canh tác nông nghiệp thì còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng biến mất nhanh chóng của rừng thông. Mặc dù loại thông trồng ở rừng phòng hộ QL14 là thông ba lá (có tên khoa học là Pinus kesiya), nhưng tháng 3-2009, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh đã cấp giấy phép khai thác nhựa thông cho UBND huyện Krông Buk theo đề nghị của huyện này. Sau khi có giấy phép, UBND huyện Krông Buk đã ký hợp đồng khai thác nhựa với Công ty TNHH Lưu Vĩ (gọi tắt là Công ty Lưu Vĩ).
Cả cánh rừng bị tàn phá đến xơ xác |
Có hợp đồng trong tay, Công ty Lưu Vĩ đã tiến hành khai thác theo kiểu tận thu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng của cây. Trước thực trạng này, UBND huyện Krông Buk đã yêu cầu Công ty dừng việc khai thác nhựa thông ba lá, nhưng dường như quyết định này là quá trễ. Cây thông đã mất khả năng đề kháng, dễ nhiễm bệnh và gãy đổ. Hơn nữa, từ khi Công ty Lưu Vĩ được quyền khai thác nhựa thông, người dân cũng “a dua” theo càng làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Một nguyên nhân khác khiến tốc độ biến mất của rừng thông tăng nhanh là việc đón đầu quy hoạch. Huyện cũ được chia tách để thành lập thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Buk mới, trung tâm huyện mới được đặt ngay... rừng thông. Vậy là người ta lại một lần nữa đua nhau chặt cây, xây nhà chờ đền bù, nếu không bị giải tỏa thì cũng được đất.
Không quá muộn với những nỗ lực “cứu” rừng thông
Ông Đinh Tất Thắng - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Krông Buk cho biết, Hạt Kiểm lâm Krông Buk đã và đang phối hợp với các cấp, các ngành của địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm cứu vãn tình thế. Theo khảo sát của Hạt, đầu năm 2010 rừng phòng hộ QL 14 trên địa bàn huyện Krông Buk có 245 ha. Ngoài việc bàn giao 110 ha để xây dựng khu hành chính của huyện và 6 ha xây dựng khu dân cư buôn Dhía (xã Cư Né), số diện tích còn lại, Hạt Kiểm lâm Krông Buk quyết tâm bảo vệ và phục hồi bằng được.
Thế chỗ những cây thông là các loại cây nông nghiệp |
Riêng trong năm 2011, đã tiến hành cưỡng chế buộc phá bỏ trên 16 nghìn cây công nghiệp các loại, 29 công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Tháng 4-2012, Hạt Kiểm lâm Krông Buk đã đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra lập hồ sơ khởi tố vụ án đối với 6,3 sào thông bị chặt phá tại xã Cư Né. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm Krông Buk cũng đã phối hợp với Khoa Nông - Lâm (Trường ĐH Tây Nguyên) xác định nguyên nhân cây thông chết hàng loạt để có biện pháp xử lý. Huyện Krông Buk cũng đã lập đoàn công tác liên ngành nhằm xác định ranh giới đất lâm nghiệp. Trong năm 2012 sẽ hoàn thành việc san ủi và cắm mốc đường ranh giới giữa đất lâm nghiệp và đất nông nghiệp để bảo vệ rừng. Sau khi đã xác định được ranh giới sẽ tiến hành trồng dặm thay thế những cây thông bị chết. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm Krông Buk cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nếu không quá ảnh hưởng thì cố gắng giữ được càng nhiều rừng càng tốt khi thi công các công trình xây dựng.
Cần sớm giải tỏa dứt điểm những hộ kinh doanh trái phép tại đây |
Rõ ràng, đây là những biện pháp cần thiết, tuy nhiên chính quyền huyện Krông Buk cần quyết liệt và kịp thời hơn nữa trong việc triển khai để tránh những hiểm họa khôn lường về thiên nhiên, môi trường khi rừng thông không còn nữa. Dọc QL 14, huyện Ea H’leo cũng có diện tích rừng thông khá lớn (143,9 ha). Từ khi tiếp nhận từ Ban quản lý Dự án rừng phòng hộ quốc lộ 14 đến nay, huyện Ea H’leo đã bảo vệ khá tốt diện tích rừng thông này. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo Y Manh Adrơng, để giữ được rừng phòng hộ QL 14, ngay từ khi tiếp nhận, bên cạnh việc vạch đường phân giới, cắm mốc, huyện đã giao cho người dân trong vùng có rừng trực tiếp quản lý với chế tài cụ thể. Những hộ dân được giao quyền quản lý rừng đều do cộng đồng tại địa phương đề xuất dựa trên những tiêu chí do huyện đưa ra. Ông Y Manh chia sẻ, khi được bầu chọn từ cơ sở, không chỉ những người được chọn mà cả cộng đồng ấy cũng có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng. Cách làm này giúp người dân rất ý thức trong việc bảo vệ rừng dù chưa biết đến khi nào mới được hưởng quyền lợi 0,2%/năm lợi nhuận sau khai thác. Song song với các biện pháp mà huyện Krông Buk đang triển khai, cách làm mà huyện Ea H’leo đang áp dụng cũng rất đáng để tham khảo.
Quốc Anh
Ý kiến bạn đọc