Multimedia Đọc Báo in

Hội viên nông dân tự nguyện tham gia dự án nhóm hộ phát triển sản xuất đều được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

07:48, 18/08/2012

 

Hỏi: Xin cho biết mục đích, đối tượng, lĩnh vực và điều kiện để được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân? Hiện nay, nguồn quỹ này của tỉnh đã huy động được bao nhiêu vốn? cho bao nhiêu đối tượng vay?

Adrơng H’Nhan (buôn Chu, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo)

- Theo Quyết định số 908 của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ nông dân hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn; tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để tạo ra các loại nông sản hàng hóa, dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Đối tượng vay vốn gồm: hộ gia đình hội viên nông dân tự nguyện tham gia dự án nhóm hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của HND các cấp; tổ hợp tác của hội viên nông dân, hợp tác xã nông nghiệp có ký hợp đồng hoặc thỏa thuận hợp tác với HND về việc hỗ trợ nông dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vùng tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập; các đối tượng khác khi có quyết định của Ban Thường vụ Trung ương HND Việt Nam. Việc cho vay vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân được thực hiện theo phương thức cho vay có hoàn trả (có kỳ hạn, có hạn mức), không thu lãi nhưng có thu phí.

Lĩnh vực cho vay vốn gồm: sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; phát triển ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp; chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản và muối; kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản, diêm nghiệp, ngành nghề và đời sống nông dân.

Để được vay vốn, người vay phải có đủ các điều kiện sau: chủ hộ gia đình hoặc người đại diện là hội viên HND Việt Nam có đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi Quỹ cho vay vốn; có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật; mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp; có khả năng tài chính bảo đảm trả nợ trong thời hạn cam kết; có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi, hiệu quả; được UBND cấp xã xác nhận về năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của chủ hộ, chủ dự án; được các cấp hội có thẩm quyền phê duyệt.

Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh được Trung ương HND Việt Nam ủy thác trên 5,7 tỷ đồng, đã giải ngân cho 264 hộ ở các huyện Krông Buk, Cư Kuin, Ea Súp, Ea H’leo, Buôn Hồ, Krông Ana, Lak, M’Drak, Krông Năng và TP. Buôn Ma Thuột vay triển khai thực hiện 17 dự án phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Thời hạn cho vay từ 18 – 36 tháng với mức phí hiện nay là 0,8%/tháng. Dự án có mức vay cao nhất 600 triệu đồng, thấp nhất 150 triệu đồng.

     Tòa soạn 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.