Multimedia Đọc Báo in

Kể chuyện đêm hội làng bằng... ánh sáng và âm nhạc

09:29, 15/08/2012

Tối 14-8, hội trường Trung tâm Văn hoá thông tin tỉnh – nơi tổ chức công diễn các chương trình của 32 đoàn nghệ thuật tham dự Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, đợt 2, năm 2012 chật kín không còn một chỗ ngồi.

Thừa hưởng một Không gian Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, khán giả cao nguyên Dak Lak như phần nào tìm gặp lại chính giá trị văn hóa quý báu mà mình cũng đang sở hữu từ người hàng xóm láng giềng – Gia Lai. 

a
 

10 tiết mục của Nhà hát múa ca nhạc tổng hợp Đam San dẫn dắt người xem vào không gian của núi rừng một thuở hồng hoang rồi tiếp tục mê hoặc bằng âm thanh vang vọng, trầm hùng, linh thiêng của cồng chiêng. Một đêm hội làng được tái hiện sống động và ngưng đọng nhiều xúc cảm mang đậm sắc màu của sử thi khi được kể và thể hiện bằng ánh sáng, âm nhạc.

Mở màn cho “Chuyện kể đêm hội làng” là tiết mục thơ múa “Huyền thoại Cư H’Drông”. Trong âm thanh chủ đạo là tiếng cồng chiêng, khi thánh thót, vui nhộn của ngày hội buôn làng, khi gấp gáp, âm vang, gào thét trước những biến cố, “Huyền thoại Cư H’Drông” lấy được nước mắt của khán giả, xúc động trước tình yêu mãnh liệt của H’Drông và Rơ Trang Phí. Chuyện kể rằng: H’Drông - con gái xinh đẹp của một tù trưởng và chàng trai nghèo Rơ Trang Phí, giỏi đánh đàn goong, yêu nhau say đắm. Tình yêu của họ bị tù trưởng và lũ làng ngăn cản. Cha ép H’Drông phải kết duyên cùng Rơ Trang Lơ, một người giàu có, có nhiều chiêng ché. Quyết không rời xa nhau, họ cùng bỏ trốn và đã bị sự truy đuổi gắt gao. Để bảo vệ người thương, H’Drông đã lấy thân mình chắn mũi tên oan nghiệt cứu sống Rơ Trang Phí. Sững sờ trước cái chết của con gái, tù trưởng đã hiểu ra rằng vật chất, vũ lực và cả luật tục khắc nghiệt không thể chiến thắng, khuất phục được tình yêu chân chính. Tù trưởng trao chiếc áo bào cho Rơ Trang Phí thay cho lời đồng ý, chấp thuận tình yêu của hai con dù có muộn màng khi con gái không còn nữa.

“Huyền thoại Cư H’Rông” khép lại, tiết mục không nhạc đệm – “Lệ làng - nước mắt em” như lời chia sớt chân thành, tận đáy lòng, xót thương cho cái chết của nàng H’Drông.

Cất giữ những huyền thoại, những câu chuyện bi hùng, người dân Tây Nguyên vui sống hồn hậu và chất phác. Khán giả được gặp lại một chất Tây Nguyên da diết, hoang dã, khỏe khoắn khi nghe “Chiếc hôn đại ngàn” để rồi cũng muốn "căng ngực lên hưởng cái gió đại ngàn". 

 

Niềm lạc quan, yêu đời của những chàng trai, cô gái  Êđê, Ja-rai được chưng cất  trong những điệu múa uyển chuyển của "Bên dòng Ayun Pa" hay những ca từ dí dỏm, lời tỏ tình dễ thương của “Yàng cho anh thương nhớ em rồi”.

 

Tây Nguyên ôm trong mình những báu vật, đó là những ngọn thác bạc, những đại ngàn. Đại ngàn là không gian diễn xướng tuyệt vời nhất của cồng chiêng. Lắng nghe tiếng cồng chiêng để lắng nghe hơi thở của đại ngàn, đại ngàn cho sinh khí để cồng chiêng âm vang hơn bất cứ nơi nào. Nghe độc tấu cồng chiêng, “Chuyện cổ Sê San” được kể đầy chất sử thi trong đêm hội làng.

 

Buồn thay, đại ngàn, núi rừng Tây Nguyên đang bị xâm hại nghiêm trọng trước những hành vi khai thác, tàn phá rừng. 

 

 

Sự xâm hại tài nguyên rừng báo động đến mức những tượng nhà mồ cũng tức giận. Tiếng cồng lời chiêng linh thiêng, huyền bí trong tiết mục “Thức tỉnh” như một thông điệp: hãy bảo vệ rừng để “Tìm về đêm hội làng”, tìm lại và lưu giữ những giá trị hồn cốt bản sắc văn hóa dân tộc.

Đàm Gia


Ý kiến bạn đọc