Multimedia Đọc Báo in

Sức trẻ sáng tạo

07:32, 18/08/2012

Mỗi người công tác ở mỗi lĩnh vực, không chỉ hết mình với công việc, họ còn là những người có niềm đam mê sáng tạo. Những sáng kiến của họ không chỉ mang lại hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà còn vì cộng đồng, xã hội.

 

Hiệu quả thiết thực từ một giải pháp kỹ thuật

Trung tá Trần Đình Thái giới thiệu về giải pháp kỹ thuật qua bản vẽ.
Trung tá Trần Đình Thái giới thiệu về giải pháp kỹ thuật qua bản vẽ.

Luôn trăn trở tìm cách khắc phục những nhược điểm trong quá trình bảo dưỡng vũ khí, Trung tá Trần Đình Thái, Trưởng Ban Quân khí, Phòng Kỹ thuật – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã cùng với 2 đồng sự là Cù Văn Dĩnh, Lê Văn Mên tìm ra giải pháp hiệu quả, đó là “Giá tháo lắp báng gỗ súng tiểu liên AK”.  Súng tiểu liên AK báng gỗ sau thời gian sử dụng phần lớn đã cũ, chi tiết gỗ của súng xuống cấp, mục, nứt; các bộ phận kim loại thường bị oxy hóa bề mặt nên luôn cần bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên. Trong quy trình thao tác, việc tháo rời các chi tiết gỗ để bảo quản, sửa chữa, từ trước tới nay thường thực hiện bằng tay, gặp khó khăn do vít vặn bị oxy hóa, khi tháo, lắp phần gỗ dễ bị xây xước, nứt, vỡ, chi tiết sắt dễ bị cong vênh…, rất tốn công sức và giảm năng suất hiệu quả sửa chữa. Để khắc phục tình trạng như trên, từ tháng 6-2010, anh Thái và các cộng sự đã đầu tư nghiên cứu, chế tạo thành công giá chuyên dùng tháo, lắp báng gỗ súng. Đến đầu năm 2011, sau khi trải qua ứng dụng cho thấy, giải pháp kỹ thuật này đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Việc giúp tháo báng gỗ ra khỏi hộp nòng khóa dễ dàng, không làm hỏng các chi tiết, khắc phục triệt để những nhược điểm trước đó.

 Với thiết kế gọn nhẹ, công nghệ chế tạo đơn giản, tiết kiệm nên giá đỡ tháo lắp dễ ứng dụng rộng rãi trong các đơn vị quân đội, góp phần phục vụ tốt quá trình bảo dưỡng súng, vũ khí trang bị cũng như yêu cầu huấn luyện. “Giá tháo lắp báng gỗ súng tiểu liên AK” đã vượt qua  375 giải pháp của vòng chung kết để đoạt giải B trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật Quân khu V lần thứ 2 vào tháng 8-2011.

Người có duyên với các giải thưởng công nghệ thông tin

Th.S Nguyễn Hoa Nam tại một Hội nghị tổng kết phong trào thi đua lao động của tỉnh.
Th.S Nguyễn Hoa Nam tại một Hội nghị tổng kết phong trào thi đua lao động của tỉnh.

Tìm tòi, nghiên cứu để khắc phục một số hạn chế trong phần mền quản lý nhân sự PMIS của Bộ Giáo dục – Đào tạo là niềm say mê của Thạc sĩ Nguyễn Hoa Nam, Trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục – Công nghệ thông tin, Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) trong nhiều năm nay, cũng từ đó, thầy trở thành người có duyên với các giải thưởng liên quan đến công nghệ thông tin.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Toán, nhiều năm liền là Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (TP. Buôn Ma Thuột) nhưng vì lòng đam mê và do yêu cầu công việc, thầy giáo Nguyễn Hoa Nam đã theo học và bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ Công nghệ thông tin vào năm 2003 tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Thời điểm năm 2005, Sở GD-ĐT Dak Lak là 1 trong 28 tỉnh được thí điểm triển khai Dự án Hỗ trợ đổi mới quản lý giáo dục (SREM) của Bộ GD-ĐT nhằm phát triển một hệ thống các phần mền quản lý trường học. Năm 2006, Tổng cục Thống kê tiến hành đổi mã tỉnh để thống nhất quản lý trong cả nước nên hàng chục nghìn hồ sơ quản lý nhân sự của ngành GD-ĐT Dak Lak phải đổi mã hồ sơ từ mã tỉnh “605” sang “66”. Lúc đó, do Dự án SREM mới được triển khai thí điểm nên còn rất nhiều hạn chế trong xử lý thông tin, nhập dữ liệu. “Suy nghĩ đầu tiên của tôi là làm sao để xử lý đồng loạt việc đổi mã hồ sơ của ngành một cách nhanh chóng, chính xác” - Thạc sĩ Nam chia sẻ. Và chính trăn trở đó đã thôi thúc anh dành nhiều thời gian, tâm huyết viết sáng kiến “Chuyển đổi mã công chức ngành GD-ĐT”, được Hội đồng sáng kiến của ngành công nhận đoạt giải C cấp tỉnh. Năm 2007, khi Thạc sĩ Nguyễn Hoa Nam được điều động về công tác tại Sở GD-ĐT cũng là lúc huyện Krông Ana chia tách thành 2 huyện Cư Kuin và Krông Ana. Để thuận tiện trong công tác quản lý của ngành đòi hỏi phải chuyển đổi hồ sơ nhân sự các đơn vị trường học được tách từ huyện Krông Ana về huyện Cư Kuin nhanh chóng mà không phải nhập lại trên 1.000 hồ sơ, không được thay đổi mã đơn vị mà chỉ thay đổi đơn vị chủ quản. Mặc dù vấn đề trên được giải quyết thông qua ứng dụng phần mền quản lý nhân sự của Bộ GD-ĐT, nhưng vì vừa kết hợp phương pháp thủ công và công nghệ thông tin nên vẫn tốn nhiều thời gian, công sức. Đến năm 2009, bài toán trên lại được đặt ra một lần nữa khi huyện Krông Buk được chia tách thành thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Buk. Lúc đó, bằng lòng đam mê và vốn hiểu biết của mình, Thạc sĩ Nguyễn Hoa Nam đã viết chương trình “Tạo danh mục trong PEMIS, VEMIS và bảo toàn dữ liệu về hồ sơ cá nhân của các đơn vị trường học khi chia tách huyện” nhằm khắc phục những hạn chế của Dự án SREM và được Hội đồng Sáng kiến của ngành công nhận, đoạt giải A cấp tỉnh năm 2010. Sáng kiến này đã giúp ngành GD-ĐT giảm hàng trăm ngày công nhập lại dữ liệu cho các đơn vị. Mặc dù một số hạn chế trong phần mềm quản lý nhân sự của Bộ đã được khắc phục, nhưng trong quá trình sử dụng, nhiều hạn chế mới lại nảy sinh. Chẳng hạn, dung lượng ảnh đưa vào hệ thống không giới hạn, việc cập nhật thay đổi nhân sự từ cấp dưới lên cấp trên bị trùng lặp nhiều lần dẫn đến dung lượng dữ liệu ngày càng lớn, gây khó khăn trong việc quản lý, lưu trữ, báo cáo và nhất là chương trình chạy rất chậm. Xuất phát từ thực tế đó, Thạc sĩ Nam đã dồn tâm huyết viết sáng kiến “Xử lý ảnh trong phần mềm quản lý nhân sự PMIS” và đề tài “Giải pháp khắc phục một số tình trạng hạn chế trong phần mềm quản lý nhân sự PMIS của Bộ GD-ĐT”. Những sáng kiến, đề tài trên lần lượt đoạt giải A và giải 3 trong Hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp tỉnh năm 2011, Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh năm 2011. Những giải pháp của Thạc sĩ Nam không chỉ giúp ngành GD-ĐT trong và ngoài tỉnh tiết kiệm hàng nghìn ngày công nhập lại dữ liệu, tạo sự đồng bộ trong công tác quản lý nhân sự, quản lý trường học, tăng tốc độ truy cập của máy tính khi chạy phần mềm quản lý nhân sự PMIS mà còn góp phần đáng kể hoàn thiện chương trình phần mềm quản lý nhân sự PMIS của Bộ GD-ĐT.

Chàng kỹ sư nặng lòng với nông dân

Từ mô hình cải tạo vườn tạp của người M’nông sang trồng cỏ nuôi bò, anh Vũ đã giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế.
Từ mô hình cải tạo vườn tạp của người M’nông sang trồng cỏ nuôi bò, anh Vũ đã giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế.

Thấu hiểu những khó khăn, vất vả trong sản xuất của người nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, chàng kỹ sư  trẻ Tôn Thất Dạ Vũ (Bí thư Đoàn cơ sở Viện KHKT Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên) đã thử nghiệm thành công và đang nhân rộng mô hình “Nghiên cứu chuyển đổi một số vườn tạp kém hiệu quả của người M’nông sang trồng cỏ nuôi bò tại huyện Lak” giúp cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế gia đình cho những hộ chăn nuôi bò.

Tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên chuyên ngành chăn nuôi – thú y từ năm 2007, kỹ sư Tôn Thất Dạ Vũ nhận công tác tại Viện KHKT Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, và cũng đã từng nghiên cứu nhiều đề án nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Năm 2009, anh đề xuất sáng kiến mô hình cải tạo vườn tạp của đồng bào M’nông sang trồng cỏ nuôi bò, ban đầu là trồng thí điểm trên diện tích 0,5 ha vườn tạp, giống cỏ VA06 và cỏ Ghinê đã cho năng suất cao (mỗi năm thu 8-10 lứa, đạt 100-200 tấn/năm/ha, và loại cỏ này trồng một lần cho thu hoạch trong vòng 3 đến 4 năm). Sau khi được Bộ Khoa học – Công nghệ nghiệm thu đề tài (tháng 5-2012), đến nay mô hình đã được nhân rộng đến các hộ chăn nuôi bò trên huyện Lak và các huyện khác trên địa bàn tỉnh. Khi được hỏi về mục đích nghiên cứu mô hình này, anh Vũ chia sẻ: “Sống gần đồng bào dân tộc thiểu số (gia đình anh sống ở Gia Lai), thấy cuộc sống của bà con còn rất thiếu thốn, khó khăn và họ thường có ít cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật để ứng dụng trong sản xuất, chăn nuôi. Hơn nữa, từ trước đến nay, các công trình nghiên cứu khoa học dành cho họ còn ít, nên mục đích của mình khi thực hiện mô hình này là giúp bà con nông dân nói chung, dân tộc M’nông nói riêng có thể tận dụng những vườn cây tạp để phát triển kinh tế gia đình từ việc trồng cỏ nuôi bò”.

 Có thể nói, việc chăn nuôi bò với mục đích sản xuất hàng hóa thì không thể trông chờ vào thảm cỏ tự nhiên, mà phải chủ động tạo ra nguồn thức ăn thô, thức ăn xanh quanh năm cho bò. Do đó, mô hình trồng cỏ trên diện tích đất vườn tạp là một trong những cách giải quyết tốt nhất đối với những gia đình có diện tích đất khô cằn sử dụng kém hiệu quả. Mặt khác, việc chuyển đổi diện tích những vườn cây già cỗi sang trồng cỏ nuôi bò và chuyển từ nuôi bò thả rông sang nuôi nhốt, có thể  tạo nguồn phân bón cho cây trồng và thu nhập từ chăn nuôi cũng ổn định hơn. Qua mô hình này, anh đã giúp người chăn nuôi chủ động được nguồn thức ăn cho bò về thời gian, số lượng lẫn chất lượng. Anh Vũ cho biết thêm: ngoài việc giảm chi phí, công lao động, việc hạn chế chăn thả bò tự nhiên còn góp phần cải thiện ô nhiễm môi trường sinh thái. Bởi với lối canh tác lạc hậu trước đây, việc trồng và khai thác vườn tạp không hiệu quả đã làm cho tài nguyên đất bị thoái hóa, khô cằn; khi chuyển sang trồng cỏ, nhờ sự tác động tích cực của con người thông qua việc cải tạo, tưới, bón phân… sẽ làm cho các vườn tạp của bà con trở nên có giá trị hơn.

Đoàn viên với công việc... một cửa!

Đoàn viên chi đoàn Phòng Tài nguyên môi trường TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn người dân kê khai các giấy tờ liên quan đến đất đai.
Đoàn viên chi đoàn Phòng Tài nguyên môi trường TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn người dân kê khai các giấy tờ liên quan đến đất đai.

Công trình thanh niên “hướng dẫn thủ tục hành chính về đất đai” của đoàn viên thanh niên Chi đoàn Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Buôn Ma Thuột triển khai từ đầu năm 2011. Sau gần 2 năm hoạt động, các đoàn viên đã hướng dẫn cho hàng nghìn lượt người dân đến giải quyết thủ tục, giấy tờ liên quan đến đất đai trên địa bàn.

Chủ nhân của ý tưởng trên là đoàn viên Phan Thị Vân – nhân viên văn phòng đăng ký sử dụng đất - Phòng Tài nguyên và Môi trường. Chị Vân cho biết: Năm 2011, nhân Năm Thanh niên, Thành đoàn Buôn Ma Thuột tổ chức phát động phong trào xây dựng các phần việc thanh niên, nhận thấy mỗi ngày có hàng trăm người dân cùng đến làm các thủ tục về đất đai nhà ở, người dân không phải ai cũng hiểu và nắm bắt được trình tự giải quyết các thủ tục giấy tờ liên quan, thường hay thắc mắc hoặc phải chờ đợi rất mất thời gian. Bộ phận một cửa của phòng lúc nào cũng ở trong tình trạng quá tải, cán bộ của phòng không phải lúc nào cũng rảnh rỗi để có thể giải thích hết cho người dân. Từ thực tế này, ý tưởng về việc hình thành một “bàn hướng dẫn hồ sơ” do các đoàn viên đảm trách đã nảy sinh, và chị Vân đã mạnh dạn đề xuất lên ban chấp hành chi đoàn xin triển khai xây dựng thành công trình thanh niên của chi đoàn cơ quan.

Công trình được triển khai ngay sau đó, gần 30 đoàn viên chi đoàn được lên lịch luân phiên nhau trực tại bàn tiếp hồ sơ nhằm hướng dẫn các thủ tục giấy tờ cho người dân. Việc trực được duy trì trong giờ hành chính, liên tục từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Ban chấp hành quy định: vào phiên trực của đoàn viên nào thì người đó phải mặc trang phục đoàn, nếu bận công việc đột xuất thì các đoàn viên tự thỏa thuận đổi lịch trực cho nhau, không được bỏ trống bàn hướng dẫn hồ sơ.

Đoàn viên Đỗ Trà Giang – nhân viên, làm việc tại bộ phận xử lý hồ sơ cho biết: do đặc thù công việc liên quan đến đất đai, hầu hết các đoàn viên ở phòng đều nắm chắc trình tự giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực công tác, nên khi được phân công phần việc tiếp công dân, hướng dẫn kê khai hồ sơ, các đoàn viên không gặp khó khăn gì. Theo quy định, đoàn viên được bố trí trực tuyệt đối, không rời bỏ vị trí, tránh để trống bàn hướng dẫn, đặc biệt phải luôn niềm nở, giải thích cặn kẽ từng loại thủ tục, giấy tờ nếu người dân chưa rõ.

“Chi đoàn có gần 30 đoàn viên, tính ra mỗi người chỉ trực 1 ngày trong tháng nên cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến công việc chuyên môn được giao” – chị Giang vui vẻ cho biết.

Có mặt tại Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố để làm thủ tục chuyển nhượng đất, chị Lại Thị Thu Cúc (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: cách đây mấy năm, chị đi làm thủ tục chuyển nhượng đất đai và đã phải vất vả đi lại rất nhiều lần để bổ sung hồ sơ do không hiểu rõ quy trình. Tuy nhiên, lần làm việc này, chị được đoàn viên ở bàn hướng dẫn hồ sơ tận tình chỉ dẫn, chỉ khoảng năm phút chị đã kê khai đầy đủ thông tin và giải quyết ngay trong buổi sáng, không phải chờ cả ngày như trước đây.

Theo ông Lưu Văn Khôi - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố: Từ ngày có công trình thanh niên, việc điền thông tin, trình tự ký tá các loại giấy tờ đã được các đoàn viên hướng dẫn cụ thể tại bàn tiếp hướng dẫn hồ sơ, cán bộ một cửa không còn mất thời gian để giải thích, hướng dẫn nữa, nhờ vậy, tốc độ giải quyết các thủ tục giấy tờ trở nên thuận lợi và nhanh hơn, mức độ hài lòng của người dân cũng được nâng lên rõ rệt.

Với công việc này, chi đoàn Phòng Tài nguyên và Môi trường đã được đoàn các cấp đánh giá là mô hình tiêu biểu và được nhiều chi đoàn bạn cũng có đặc thù công việc như trên đến học tập làm theo.

Hương Xuân Thúy Lệ


Ý kiến bạn đọc