Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010

17:38, 07/09/2012

Ngày 7-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010.

Tại điểm cầu Dak Lak tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm; lãnh đạo các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Phó trưởng Ban Thường trực Chỉ đạo Quốc gia  xây dựng xã hội học tập báo cáo tại Hội  nghị
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia xây dựng xã hội học tập báo cáo tại Hội nghị

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT: Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010 đã nhận được sự đồng thuận của xã hội và đạt những thành tựu quan trọng. Cả nước đã huy động được 383.651 người theo học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi xóa mù chữ; hàng trăm ngàn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được vào học các chương trình phổ cập; hàng trăm nghìn cán bộ cấp xã, cấp huyện được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế, xã hội để nâng cao năng lực công tác… Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên, đặc biệt là mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng phát triển nhanh, vượt chỉ tiêu của đề án. Đến nay cả nước có 67 trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) của 58 tỉnh, thành phố (còn 5 tỉnh chưa có TTGDTX); ở cấp huyện có 635 TTGDTX, tăng 120 trung tâm so với năm 2005. Tại Dak Lak, đến nay 100% huyện, thị xã, thành phố và 175/184 xã phường, thị trấn thành lập được trung tâm học tập cộng đồng, đạt 95,1%. Các trung tâm học tập cộng đồng đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong phương thức hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thông qua việc tạo cơ hội học tập suốt đời.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Dak Lak
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Dak Lak

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, sự phối hợp giữa các cấp, ngành và các bộ phận thực hiện đề án còn thiếu chặt chẽ; năng lực hoạt động của các TTGDTX và trung tâm giáo dục cộng đồng còn nhiều bất cập; đội ngũ cán bộ đầu mối xây dựng xã hội học tập còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác đào tạo từ xa còn nhiều khó khăn… Đây là những vấn đề được đại biểu các tỉnh, thành thảo luận nhằm đề ra giải pháp thực hiện tốt đề án giai đoạn 2012-2020. Cụ thể: đến năm 2015 tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 đạt 96% và đạt 98% năm 2020; độ tuổi từ 15-35 đạt 98% vào năm 2015 và đạt 99% vào năm 2020. Đặc biệt ưu tiên xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em gái, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn; bảo đảm tỷ lệ biết chữ ngang nhau giữa nam và nữ; 100% tỉnh, thành  phố củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở; 80% cán bộ, công chức, viên chức tham gia chương trình học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; 50% số lao động nông thôn tham gia học tập cộng đồng; 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng…

 

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc