Multimedia Đọc Báo in

Hợp tác xã: “Lép vế” khi tiếp cận vốn ngân hàng

09:06, 22/09/2012

Là loại hình doanh nghiệp được Nhà nước xác định vay vốn bình đẳng như các thành phần kinh tế khác nhưng trên thực tế, hợp tác xã (HTX) hiện vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với các nguồn vốn của ngân hàng...

Năm 2009, HTX Dịch vụ nông nghiệp Cư M’gar (khối 8, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) được thành lập. Tuy nhiên chỉ ít lâu sau đó, Công ty TNHH Một thành viên Ngọc Phú cũng được hình thành, trực thuộc HTX nhằm đảm nhiệm hầu hết các hoạt động giao dịch của HTX như: đi vay vốn, ký hợp đồng về phân bón... Theo như những gì mà Phó Chủ nhiệm HTX Võ Duy Ngọc chia sẻ thì dưới danh nghĩa HTX, đến thời điểm này HTX chỉ duy nhất được tiếp cận với nguồn vốn của Liên minh HTX là 180 triệu đồng; còn mọi giao dịch khác nhất là với ngân hàng, HTX gặp nhiều khó khăn, trong đó có chuyện khó vay vốn. Vậy là, Công ty và HTX cùng chung tài sản thế chấp, HTX là “mẹ” sinh ra Công ty nhưng khi đi vay thì Công ty vay được vốn ngân hàng còn Hợp tác xã thì không. “Đã qua lâu rồi cái thời bao cấp, HTX giờ là HTX kiểu mới, cần có cái nhìn khác về hoạt động của mô hình HTX”, ông Ngọc nói.

Được giao 50 ha đất vùng nguyên liệu để sản xuất gạch, từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm  HTX xã sản xuất gạch Uy Tín, xã Ea Kuăng, huyện Krông Pak cho ra lò 48 triệu viên gạch, đáp ứng nhu cầu vật liệu trong và ngoài huyện. Để đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu qủa sản xuất, HTX cần thêm nguồn vốn vay nhưng điều này thật không dễ. Với 3770 m2 đất thuê 50 năm đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến tháng 11 năm 2058 mới hết hạn thuê đất nhưng HTX  vẫn không được ngân hàng cho vay vốn. Theo đó, đã có những thời điểm giá nguyên liệu, giá  điện, than  tăng, HTX phải vay mượn vốn tín dụng “đen” để duy trì hoạt động.

a
ới danh nghĩa HTX khó tiếp cận với vốn ngân hàng, HTX Dịch vụ nông nghiệp Cư M’gar đã thành lập Công ty TNHH Một thành viên Ngọc Phú, trực thuộc HTX. (Trong ảnh: Sản xuất nước uống đóng chai Walaxi tại Công ty)

Toàn tỉnh hiện có trên 300 HTX và 1 Liên minh HTX, trong đó chiếm số đông là HTX nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, vận tải. Ngoài gần 3 tỷ đồng do Quỹ Hỗ trợ liên minh hợp tác xã và nguồn vốn của một số các kênh khác giúp HTX có vốn vay để phát triển sản xuất kinh doanh, tính đến 6 tháng đầu năm 2012 mới chỉ có khoảng 29 HTX vay được vốn các ngân hàng thương mại từ gói cầu của Chính phủ với tổng số vốn 3,3 tỷ đồng. Đây qủa thật là một con số quá ít ỏi so với số lượng hàng trăm HTX hiện nay.

Việc HTX khó khăn tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng, có một phần nguyên nhân chủ quan là HTX nội lực vẫn còn yếu; sản phẩm kém sức cạnh tranh; doanh thu, lợi nhuận còn thấp nên khả năng tích luỹ hạn chế. Bên cạnh đó, nhìn chung trình độ của cán bộ quản lý, tay nghề của xã viên cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác tuyên truyền phổ biến các chính sách phát triển kinh tế tập thể trong những năm qua còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng thờ ơ, thiếu quan tâm thúc đẩy loại hình kinh tế này phát triển ở một số cấp chính quyền cơ sở. Nói một cách thẳng thắn, không ít địa phương, đơn vị thiếu mặn mà với mô hình HTX.

Đảng, Nhà nước xác định HTX là loại hình doanh nghiệp được vay vốn bình đẳng như các thành phần kinh tế khác, trong đó chú trọng tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Hơn nữa, khách quan đánh giá thì kinh tế tập thể đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nếu tính cả đóng góp trực tiếp và đóng góp gián tiếp thông qua kinh tế hộ xã viên HTX, thành viên tổ hợp tác thì kinh tế tập thể đóng góp bình quân khoảng 12% vào GDP của tỉnh. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực của bản thân mỗi HTX, loại hình kinh tế này cũng cần có được cách nhìn mới, toàn diện hơn để HTX được “tiếp sức” đầu tư về vốn, kỹ thuật, thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm cho không ít lao động nhất là vùng nông thôn, trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.