Multimedia Đọc Báo in

Bắc Giang – ký ức toả sáng

00:45, 07/10/2012

 

Tối 6-10, tại Quảng trường 3-2, UBND tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức Lễ đón nhận Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương; Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế; Quyết định công nhận 16 xã thuộc huyện Hiệp Hòa là An toàn khu II và khai mạc Ngày hội Văn hóa thể thao du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ V năm 2012.

Sự kiện văn hóa quan trọng này là niềm vinh dự, tự hào và thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân Bắc Giang. Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành, một số tỉnh, thành cũng đến tham dự.  

Với chủ đề “Bắc Giang ký ức toả sáng”, buổi lễ diễn ra trang nghiêm với các nghi thức long trọng: trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Bằng công nhận Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lên trao Bằng công nhận di tích lịch sử đặc biệt các địa điểm khởi nghĩa Yên Thế; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân lên trao Bằng công nhận 16 xã của huyện Hiệp Hoà tỉnh Bắc Giang  là ATK II.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trao Quyết định công nhận 16 xã của huyện Hiệp Hòa là ATK II.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trao Quyết định công nhận 16 xã của huyện Hiệp Hòa là ATK II. (Ảnh: Báo Bắc Giang)

 

Sau tiếng trống khai hội của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, buổi lễ bước sang phần hai với một không gian nghệ thuật tái hiện và giới thiệu về một Bắc Giang kiên cường gắn liền lịch sử đấu tranh anh hùng của dân tộc cùng những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc được bảo tồn, lưu giữ.

Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Giao hội và tinh kết; Khí phách hào hùng; Di sản thăng hoa, với sự góp mặt của gần 1000 diễn viên đến từ các đoàn nghệ thuật Trung ương và diễn viên quần chúng tại địa phương. Ở chương I “Giao hội và tinh kết”, một Bắc Giang hiện lên với những đặc sản văn hóa như hát ống, hát ca trù và hát quan họ (quan họ Bắc sông Cầu).  

Ảnh: Báo Bắc Giang
Ảnh: Báo Bắc Giang

Dấu ấn khởi nghĩa Yên Thế trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc gắn liền với tên tuổi của người anh hùng Hoàng Hoa Thám được thể hiện sinh động trong chương II có chủ đề “Khí phách hào hùng”. Lễ hội Yên Thế, lễ tế cờ, màn múa võ sáo Yên Thế được tái hiện sinh động thông qua những hoạt cảnh. Khởi nghĩa Yên Thế là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất và kéo dài nhất trong các cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của thực dân Pháp, tiêu biểu cho phong trào yêu nước của dân tộc ta trước khi có Đảng lãnh đạo. "Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng", lời lẽ đanh thép của “hùm xám Yên Thế” khiến thực dân Pháp khiếp sợ, dùng đủ mọi chiêu bài từ phủ dụ, bao vây, tàn sát nhằm tiêu diệt phong trào đấu tranh.

Cũng trong chương II, mảnh đất Bắc Giang được giới thiệu là nơi có nhiều địa điểm gây dựng phong trào cách mạng, góp phần quan trọng trong thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945. 16 xã của huyện Hiệp Hòa nằm trong ATK II là nơi tổ chức nhiều hội nghị, sự kiện quan trọng của Trung ương, Xứ ủy và Ủy ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ; nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ cấp cao của Đảng.

Trong chương 3 "Di sản thăng hoa”, quang cảnh chùa Vĩnh Nghiêm, ngôi chùa được mệnh danh là “Đại danh lam cổ tự" cùng kho mộc bản quý hiện lên linh thiêng trong tiếng chuông chùa, bài tụng kinh của các nhà sư. Chùa thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, đây là một trung tâm Phật giáo lớn của thời Trần, nơi ba vị Trúc Lâm Tam tổ (Trần Nhân Tông- Pháp Loa- Huyền Quang) từng trụ trì và mở đường thuyết pháp. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với số lượng 3.050 mộc bản, được khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm với nhiều kiểu chữ khác nhau xen thêm những bức họa đồ tinh tế.

Ảnh: Báo Bắc Giang
Ảnh: Báo Bắc Giang

 

Sau màn trình diễn mô phỏng Tiến sĩ Thân Nhân Trung với câu nói nổi tiếng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia", mảnh đất Bắc Giang anh hùng trong những năm tháng chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, trong công cuộc xây dựng quê hương được thể hiện ấn tượng và sinh động.

Chương trình khép lại trong rực rỡ pháo hoa, cùng sự háo hức và cả niềm tự hào của nhân dân Bắc Giang về một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.  

Đàm Thuần

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.