Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng cải tạo nâng cấp QL 29 không còn xa

06:14, 08/10/2012

Hiện nay, một số đoạn trên Quốc lộ (QL) 29 đang bị xuống cấp, hư hỏng nặng nề, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông qua đây. Hàng năm, công tác duy tu, bảo dưỡng vẫn được ngành Giao thông vận tải Dak Lak tiến hành trên đoạn chạy qua địa bàn tỉnh, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế…

QL 29 đoạn từ Trạm kiểm lâm số 1 đến trạm số 8 (Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô) có nhiều chỗ hư hỏng như thế này.
QL 29 đoạn từ Trạm kiểm lâm số 1 đến trạm số 8 (Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô) có nhiều chỗ hư hỏng như thế này.

Quốc lộ 29 được chuyển từ tỉnh lộ lên QL theo Quyết định 1307/QĐ-BGTVT ngày 14-6-2011 của Bộ Giao thông Vận tải trên cơ sở các đường tỉnh lộ của hai tỉnh Dak Lak và Phú Yên. Điểm đầu của tuyến đường này là cảng Vũng Rô (tỉnh Phú Yên), đoạn qua tỉnh Dak Lak có chiều dài gần 70 km bắt đầu từ ranh giới 2 tỉnh Dak Lak và Phú Yên đến thị xã Buôn Hồ. Tương lai, QL 29 được nối tuyến tới cửa khẩu Dak Ruê (huyện Ea Súp), là tuyến giao thông quan trọng góp phần giao thương, phát triển kinh tế - xã hội giữa Dak Lak với nước bạn Campuchia và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Đoạn đường bị hỏng nghiêm trọng nhất là khoảng 20 km đi qua Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô - từ xã Ea Sô (huyện Ea Kar) đến xã Cư Prao (huyện M’Drak), nhất là từ Trạm kiểm lâm số 1 đến Trạm số 8 Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, đường nhiều chỗ bị sụt lún, tạo nên những ổ gà trên mặt, một số chỗ đá dăm trồi lên nham nhở, có đoạn dài hàng chục mét, toàn bộ mặt nhựa bị bong tróc làm đường trở nên gồ ghề, rất khó khăn cho các phương tiện qua lại. Anh Trần Mạnh Lợi (xã Ea Ly, Sông Hinh – Phú Yên) thường xuyên đi qua đoạn đường này cho biết: đường hẹp, hư hỏng nhiều chỗ nên đi lại rất vất vả. Còn ông Bùi Đình Kính, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô phản ánh: do đường bị xuống cấp nên công tác tuần tra bảo vệ rừng cũng gặp trở ngại nhất là về ban đêm.

Ông Trần Thủ, Giám đốc Ban quản lý các dự án giao thông vận tải cho hay, đoạn đường nói trên dài 20,6 km (từ km113+590 đến km134+150) được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2002 theo tiêu chuẩn đường đá dăm láng nhựa dày 15 cm (loại đường bán kín, dễ thấm nước, tuổi thọ ngắn). Do thời gian sử dụng đã lâu, cùng với lượng xe tải khổ lớn lưu thông nhiều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đường hư hỏng nói trên. Sau khi được chuyển thành QL, Bộ Giao thông vận tải đã giao tỉnh Dak Lak quản lý, khai thác tuyến đoạn đi qua địa phương, và ngành Giao thông vận tải tỉnh đã tiến hành duy tu, bảo dưỡng hàng năm nhưng không thể bảo đảm chất lượng lâu dài mà cần phải được đầu tư cải tạo, nâng cấp một cách đồng bộ. Trước tình hình đó, ngày 7-5-2012, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 1000/QĐ-BGTVT cho phép lập dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL 29 bằng nguồn vốn Trung ương giao cho Sở Giao thông vận tải Dak Lak làm chủ đầu tư. Hiện Sở đang lập dự án, dự kiến sẽ triển khai thi công vào năm 2013. Tuy nhiên, trong khi chờ dự án được thực hiện, tuyến đường này vẫn phải tiếp tục chịu cảnh hư đâu sửa đó…!

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.