Multimedia Đọc Báo in

Quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ, giải tỏa và chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ

13:31, 06/12/2012

UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ, giải tỏa và chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Theo đó, phạm vi giải toả hành lang an toàn giao thông đường bộ gồm: các quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện được quy định tại Nghị định số 11/2012/NĐ-CP, ngày 24-2-2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đường đô thị theo chỉ giới quy hoạch đường đỏ; dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo tuyến đường giao thông; đối với các công trình đã được bồi thường, giải toả nhưng tái lấn chiếm thì chủ công trình phải tự tháo dỡ và không được bồi thường.

Về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan: Sở Giao thông - Vận tải chủ trì phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, các đơn vị quản lý đường bộ, ban an toàn giao thông các cấp triển khai các nhiệm vụ để lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở, ngành liên quan xử lý các trường hợp sử dụng đất trong hành lang an toàn đường bộ. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện rà soát việc lập và thực hiện quy hoạch xây dựng các khu chức năng (công nghiệp, khu du lịch, đô thị mới...) khác dọc theo các quốc lộ, tỉnh lộ. Công an tỉnh bố trí lực lượng tham gia tổ công tác liên ngành cấp huyện, tổ chức cưỡng chế ở địa phương trong việc cưỡng chế, giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ.

UBND cấp huyện phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ rà soát, phân loại và thống kê các công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ; thực hiện kế hoạch giải toả trên địa bàn; tổ chức lực lượng cưỡng chế, giải tỏa các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ và các công trình xây dựng trái phép. UBND cấp xã quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định, phối hợp các đơn vị lập biên bản, đình chỉ kịp thời các trường hợp vi phạm tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ đã giải tỏa.

Các đơn vị quản lý đường bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi, quản lý, bảo vệ và kịp thời thực hiện giải tỏa các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ; đề xuất xoá bỏ các vị trí đấu nối không phù hợp vào quốc lộ, tỉnh lộ; hỗ trợ phương tiện, thiết bị, nhân lực cho việc giải tỏa...

Đ.T

 


Ý kiến bạn đọc