Multimedia Đọc Báo in

Băn khoăn giá sữa!

10:04, 22/03/2013

Hiện nay, giá sữa ở nước ta được liệt vào mức cao so với thu nhập bình quân đầu người. Thêm vào đó, việc liên tục tăng giá sữa khiến người tiêu dùng “chóng mặt”. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trung bình mỗi năm có 2-3 đợt tăng giá sữa.

“Lại tăng giá rồi à” - chị Thanh (TP.Buôn Ma Thuột) thốt lên khi mua sữa cho con vào đầu tháng 3-2013 tại một cửa hàng tạp phẩm trên đường Mai Hắc Đế. Hộp sữa bột Frisolac Gold 1 loại 900g mà bé nhà chị đang dùng đã tăng giá từ 415.000 đồng lên 430.700 đồng/hộp. Chị Thanh cho biết, do không có sữa cho con bú nên chị phải nuôi bằng sữa ngoài, mỗi hộp sữa gần 500.000 đồng mà bé nhà chị chỉ dùng chưa đến hai tuần. “Nhà tôi có hai đứa con, một đứa 5 tuổi, còn một bé mới vài tháng tuổi. Với đồng lương công chức của cả hai vợ chồng, không thể kham nổi tiền sữa cho cả hai đứa con. Thành ra, từ khi sinh cháu nhỏ, đành “cúp sữa” của cháu lớn. Từ lâu tôi nghe nói nhà nước sẽ tăng cường quản lý giá sữa mà sữa thì cứ tăng giá đều đều một năm mấy lần thế này là sao nhỉ? Sữa là mặt hàng thực phẩm thiết yếu, cần thiết cho sự phát triển của trẻ em, lẽ ra ngày càng phải được “phổ cập” mới phải chứ nhỉ? ”, chị băn khoăn.

Những băn khoăn của chị Thanh cũng là thắc mắc của không ít các bà mẹ. Theo thống kê của một chuyên gia dinh dưỡng, xu hướng sử dụng sữa của người Việt Nam đã tăng trong những năm qua nhưng vẫn ở mức thấp. So với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines... thì mức độ tiêu thụ lượng sữa bình quân trên đầu người của Việt Nam mới chỉ bằng 1/10. Chẳng hạn như Thái Lan, Philippines, bình quân tiêu thụ khoảng 350-400 ml sữa/người/ngày, nhưng ở Việt Nam lượng sữa tiêu thụ vẫn còn thấp, trung bình khoảng 30-35 ml/đầu người/ngày, mới chỉ bằng 10% so với các nước trên. Cũng theo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng trên, với những gia đình có điều kiện thì cả trẻ em và người trưởng thành nên uống đủ hai cốc sữa (mỗi cốc từ 200-300 ml) một ngày sẽ cung cấp đủ lượng canxi; đặc biệt, đối với các gia đình có trẻ nhỏ hay trẻ em nói chung thì nên chú trọng cho các cháu uống sữa bởi ngoài cung cấp canxi, sữa còn cung cấp chất đạm, vitamin và các khoáng chất... Tuy nhiên, hiện nay, giá sữa ở nước ta được liệt vào mức cao so với thu nhập bình quân đầu người. Thêm vào đó, việc liên tục tăng giá sữa khiến người tiêu dùng “chóng mặt”. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trung bình mỗi năm có 2-3 đợt tăng giá sữa. Riêng giai đoạn 2007-2010, giá sữa có tới 16 lần tăng giá. Từ đầu năm đến nay cũng có tới 2 lần tăng giá sữa. Giá chênh lệch giữa mỗi lần tăng là 5-10%, thậm chí có loại tăng 13-14%. Giá nguyên liệu đầu vào tăng, tăng tỉ lệ dưỡng chất, thay đổi mẫu mã… là những lý do được các hãng sữa đưa ra để lý giải cho việc tăng giá mặc dù theo nhận định, trong thời gian qua, giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ở mức ổn định và giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng.

Cùng với sự tăng giá đều đều, những lùm xùm, mập mờ về nguồn gốc, chất lượng sữa (hết sữa dê Pháp Danlait lại đến sữa dê Mỹ GmB) liên tục xảy ra gần đây lại càng khiến người tiêu dùng vô cùng bối rối. Và thật sự là “sốc” khi qua những vụ lùm xùm này hé lộ về chuyện “làm giá” đối với sữa. Giá mỗi nguyên liệu sữa nhập về chỉ ở mức vài chục nghìn đồng, nhưng sau khi được doanh nghiệp đóng gói, “bổ sung” thêm một ít vi chất dinh dưỡng thì được đưa ra thị trường với giá cao gấp 5, 6 lần. Người tiêu dùng lại càng băn khoăn: vậy vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước đến đâu?

“Mong sao các bà mẹ đều có đủ sữa cho con bú đến 2, 3 tuổi” là một ý kiến được khá nhiều người “like” (thích) khi thông tin về vụ bê bối sữa dê Danlait được đưa lên Facebook. Có lẽ đó cũng là ước mong của đa số các bà mẹ đang nuôi con nhỏ hiện giờ trong bối cảnh chính các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể bảo đảm về giá cả và chất lượng của mặt hàng thiết yếu này.

Hải Như


Ý kiến bạn đọc