Multimedia Đọc Báo in

Chỉ số PCI Dak Lak năm 2012 và một số giải pháp cải thiện chỉ số trong năm 2013

09:43, 22/03/2013

Ngày 14-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Dak Lak đã có sự thay đổi theo chiều hướng tốt, từ điểm số 53,46 lên 55,94 và vị thứ từ 58 lên 36 trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước so với năm 2011.

Tuy điểm số không tăng nhiều, nhưng vị trí tăng tới 22 bậc. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Pháp chế của VCCI: “Điểm số PCI năm 2012 đã giảm mạnh, từ 59,1 điểm năm 2011 xuống còn 56,2 điểm và không một tỉnh nào đạt đến ngưỡng 65 điểm”, như vậy Dak Lak thứ hạng tăng cao là do nhiều địa phương tụt điểm số so với năm 2011. Vậy năm 2013 cần phải làm gì để “trụ hạng”, có cải thiện và vươn lên về mặt điểm số và vị trí ?


 

So sánh 9 chỉ số thành phần với năm 2011, có thể thấy rằng những chỉ số mà Dak Lak có sự cải thiện đó là: gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; đào tạo lao động; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và tính năng động của lãnh đạo. Các chỉ số không có thay đổi nhiều là: tính minh bạch và chi phí không chính thức. Hai chỉ số giảm mạnh so với năm 2011 là: chi phí thời gian và thiết chế pháp lý. So với toàn quốc, điểm số các chỉ số thành phần của Dak Lak hầu hết nằm gần trên mức trung vị của toàn quốc, duy chỉ có chỉ số gia nhập thị trường là gần đạt đến mức max (9,14/9,60); các chỉ số thấp hơn trung vị là: chi phí thời gian (5,29/5,73); chi phí không chính thức (6,29/6,49); tính năng động của lãnh đạo (3,58/4,85); thiết chế pháp lý (3,26/3,64). So với khu vực Tây Nguyên, Dak Lak đứng thứ 2 sau Gia Lai và trên 3 tỉnh còn lại.

Qua phân tích trên có thể thấy rằng trong tương quan với các địa phương khác, năm 2012 Dak Lak có cải thiện một số chỉ số thành phần và đã tăng về điểm số và thứ hạng. Điều này có thể thấy trong quá trình lãnh đạo điều hành năm 2012, Dak Lak đã rất quan tâm đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt trên lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính về cấp giấy đăng ký kinh doanh; ban hành một số quy định như chính sách thu hút đầu tư; quy trình thủ tục đầu tư; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin… Nhưng có những chỉ số đạt thấp hơn trung vị của cả nước và có xu hướng giảm, như đã nói ở trên, đây là vấn đề cần được phân tích để có biện pháp làm thay đổi hình ảnh về môi trường kinh doanh của Dak Lak trong thời gian tới.

Qua phân tích các điểm yếu trong các chỉ số thành phần và từ các bài học thành công của các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Ninh, Lào Cai… trong năm 2012 và những năm gần đây, Dak Lak cần phải tiếp tục cải thiện hình ảnh của mình thông qua các việc làm chủ yếu sau:

- Phải quyết tâm lớn để chuyển biến nhận thức trong đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt là những cơ quan, đơn vị thường xuyên giải quyết các công việc cho doanh nghiệp phải coi doanh nghiệp là người bạn đồng hành thực sự trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phải thường xuyên đối thoại và lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và vào cuộc thực sự để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đây là bài học quý mà Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long làm được trong năm qua.

- Cải cách hành chính, một trong những khâu tác động làm thay đổi nhiều chỉ số thành phần trong PCI. Bài học của Bắc Ninh trong 4 năm liền đứng ở top 10 trong bảng xếp hạng là tập trung áp dụng cơ chế một cửa liên thông hiện đại, áp dụng chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001:2008 không chỉ ở cấp tỉnh, cấp huyện mà bắt đầu thực hiện ở cấp xã. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan hành chính các cấp; thực hiện cải cách tư pháp thực sự có hiệu quả.

- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin thông qua việc chấn chỉnh hoạt động các website của UBND tỉnh, các ngành và các địa phương (dường như đây là vấn đề ít được quan tâm); từng bước thực hiện các dịch vụ công thông qua điện tử, công khai hóa các thông tin về quy hoạch, kế hoạch và các thủ tục hành chính.

- Vấn đề đất đai và đào tạo lao động còn nhiều dư địa để Dak Lak có thể cải thiện hình ảnh. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp quyền sử dụng đất cho các tổ chức và cá nhân; ban hành giá cho thuê đất ổn định nhằm giúp doanh nghiệp chủ động trong thực hiện dự án đầu tư; ban hành quy trình chuẩn và rút ngắn thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng giao đất cho nhà đầu tư. Triển khai có hiệu quả quy hoạch nguồn nhân lực đến năm 2020, bảo đảm cung cấp nguồn lao động có chất lượng cho các thành phần kinh tế.

Trong điều kiện các địa phương đều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nếu Dak Lak không thường xuyên tự mình thay đổi thì câu chuyện “trụ hạng” và “tăng hạng” sẽ rất khó và tất yếu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hy vọng rằng Dak Lak sẽ trở lại vị trí đứng đầu bảng trong khu vực Tây Nguyên mà hai năm qua đã không làm được và vươn lên top những địa phương có thứ hạng tốt trong bảng PCI.

Nguyễn Viết Tượng

(Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.