Thủy điện Dak Lak giữa mùa khô khát
Khí hậu bất thường ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung, tỉnh ta nói riêng trong những tháng vừa qua, gây nắng nóng, khô hạn trên diện rộng, không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến sản xuất của các nhà máy thủy điện. Và việc thiếu hụt năng lượng vào mùa khô năm nay được cảnh báo là điều không tránh khỏi.
Đập tràn và đập chính Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp. |
Theo báo cáo của Công ty Thủy điện Buôn Kuôp, mực nước hồ chứa Thủy điện buôn Tua Srah tính đến ngày 17-3 chỉ đạt 476,29m, thấp hơn cùng kỳ năm 2012 là 1,27m, đang tiệm cận mực nước chết (465m). Trong khi dung tích hữu ích của hồ theo thiết kế là 522,6 triệu m3, nhưng hiện nay chỉ còn 202 triệu m3. Đây là hồ tích nước đảm đương vai trò điều tiết nước cho hệ thống nhà máy thủy điện bậc thang trên dòng Sê-rê-pôk: Buôn Kuôp, Dray H’linh, Sê-rê-pôk 3, Sê-rê-pôk 4…, nên với lượng nước như trên sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của cả hệ thống thủy điện cùng khai thác trên dòng sông này. Lưu lượng nước trong những tháng mùa khô năm 2013 cũng sụt giảm nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Nếu mức trung bình lưu lượng nước quy về trong tháng 1-2013 đạt 41,05m3/s (trong khi con số này của năm 2012 là 56m3/s), thì đến tháng 2 giảm xuống chỉ còn 28,77m3/s (tháng 2-2012 là 40,17m3/s). Trong ngày 17-3, lưu lượng nước quy về xuống còn 19,57m3/s. Mặc dù vậy, đơn vị này vẫn bảo đảm thời gian phát điện theo đúng quy trình, cam kết bảo đảm nguồn nước xả ra hạ lưu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, trong tháng 1-2013, thời gian vận hành 11,22 giờ/ngày, lưu lương nước xả ra hạ lưu là 44,84m3/s; tháng 2 -2013, thời gian vận hành trung bình 10,48 giờ/ngày, lưu lượng nước xả ra hạ lưu là 42,46m3/s. Ông Nguyễn Tấn Triết, Phó giám đốc Công ty cho biết: những diễn biến bất thường, khắc nghiệt của mùa khô năm nay đã làm sụt giảm sản lượng điện của các nhà máy. Trong tháng 1, sản lượng điện bình quân của Nhà máy Thủy điện buôn Tua Srah chỉ đạt gần 15 triệu kWh, thấp hơn cùng kỳ năm 2012 gần 3 triệu kWh; Nhà máy Thủy điện Buôn Kuôp là 40 triệu kWh, thấp hơn cùng kỳ năm 2012 hơn 32 triệu kWh; Nhà máy Thủy điện Sê-rê-pôk 3 trên trên 29,3 triệu kWh, thấp hơn cùng kỳ hơn 20 triệu kWh. Nếu trong tháng 1, lượng điện sản xuất bằng khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2012 thì đến tháng 2, sản lượng điện sản xuất của 3 nhà máy đều tiếp tục sụt giảm, chỉ bằng 40-50% so với cùng kỳ.
Phòng điều khiển Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp. |
Ngoài những nhà máy thủy điện lớn, Dak Lak còn có hệ thống thủy điện vừa và nhỏ (TĐVVN), với sản lượng điện đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu dùng điện của toàn tỉnh. Tuy nhiên, đến giữa khô năm nay, hầu hết các nhà máy này đều không phát hết công suất, hoạt động cầm chừng do thiếu nước. Địa bàn huyện M’Drak có 3 công trình TĐVVN, với tổng công suất 10,8 MW, nhưng từ đầu năm đến nay chỉ hoạt động cầm chừng do mực nước ở các sông, suối xuống thấp. Dòng suối Ea M’Doal vào thời điểm này nhiều đoạn cạn trơ đáy, trong khi phải gồng mình “cõng” 2 nhà máy thủy điện trên con suối này. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều nhà máy TĐVVN trên địa bàn toàn tỉnh, với 9 nhà máy TĐVVN đã đi vào hoạt động, tổng công suất 58 MW nhưng công suất hầu hết chỉ đạt 40-50% so với thiết kế.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Dak Lak, tình hình khô hạn năm nay trên địa bàn diễn ra nghiêm trọng, mực nước sông suối thấp hơn 40-50% so với mực nước trung bình nhiều năm. Mặc dù trong tháng 3, ở Dak Lak đã có một số cơn mưa nhưng chỉ là những cơn mưa cục bộ trên diện hẹp, do đó vẫn chưa có tín hiệu khả quan nào về tình hình thủy văn sẽ được cải thiện, điều đó đồng nghĩa với việc thủy điện sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Như ông Nguyễn Tấn Triết bày tỏ, cứ theo mức vận hành này thì mỗi ngày mực nước hồ sẽ càng giảm và hồ Thủy điện Buôn Tua Srah sẽ về mực nước chết, nên việc bảo đảm vận hành nhà máy 14-16 giờ/ngày trong điều kiện lưu lượng nước sông về thấp như hiện nay cũng là một khó khăn cho đơn vị.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc