Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với UBND tỉnh
Chiều 18-4, đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông do Thứ trưởng Lê Nam Thắng dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh. Tiếp đoàn có đồng chí Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh thông báo với đoàn công tác về tình hình hoạt động viễn thông trên địa bàn tỉnh Dak Lak. Theo đó, Dak Lak là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Tây Nguyên, hoạt động viễn thông đã đạt được những bước phát triển đáng kể. Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 nhà cung cấp dịch vụ gồm: Viễn thông Dak Lak (Vina phone), chi nhánh MobiFone, chi nhánh Viettel, chi nhánh FPT, Gfone, Gtel và Vietnammobile; 3 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ viễn thông cố định (điện thoại cố định, ADSL, FTTH...); hạ tầng phục vụ viễn thông như hệ thống chuyển mạch, mạng truyền dẫn, mạng ngoại vi, mạng di động, Internet...cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Quang cảnh buổi làm việc |
Trên địa bàn tỉnh có 6 đơn vị bưu chính, chuyển phát đang hoạt động kinh doanh bưu chính, chuyển phát với 28 điểm bưu cục và 216 điểm giao dịch có người phục vụ; 134 điểm bưu điện văn hóa xã; 54 đại lý bưu chính chuyển phát; 34 thùng thư công cộng độc lập; 156 thuê bao hộp thư bưu chính; bán kính phục vụ là 4,45 km/điểm, số người trung bình được phục vụ là 8.199 người/điểm; số xã có báo đọc trong ngày là 154/154 xã; 26 điểm bưu điện văn hóa xã có kết nối Internet...
Hiện có 3 doanh nghiệp đang thực hiện cung cấp dịch vụ Viễn thông công ích (VTCI) là VNPT Dak Lak, Viễn thông Điện lực và Chi nhánh Viettel Dak Lak. Tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho chương trình VTCI giai đoạn 2006-2010 ước khoảng 336,8 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp 226,8 tỷ đồng, người dân 110 tỷ đồng. Chương trình VTCI đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chỉ số mật độ máy điện thoại cố định và mức độ sử dụng các dịch vụ viễn thông, giảm khoảng cách về sử dụng dịch vụ viễn thông giữa các vùng.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai VTCI trên địa bàn tỉnh còn một số bất cập, tồn tại như: công tác tuyên truyền về các nội dung của chương trình chưa đầy đủ, thường xuyên; việc thông báo chính sách VTCI của doanh nghiệp đến người dân chưa rõ ràng; chưa cân đối nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng với phát triển thuê bao; chỉ số phát triển thuê bao Internet chưa cao; một vài địa phương còn chưa vào cuộc tích cực.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Hiếu đã bày tỏ sự đồng tình với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tiếp tục triển khai Chương trình VTCI giai đoạn 2. Đồng chí Trần Hiếu cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị để việc thực hiện VTCI trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới được tốt hơn. Trong đó có việc đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần chú ý đến đặc thù của địa phương, từ đó có những phương án hỗ trợ hiệu quả hơn. Ngoài ra Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần cân nhắc đến nhu cầu thực tế của người dân để có định hướng đầu tư phù hợp.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã biểu dương những kết quả mà Dak Lak đã đạt được trong Chương trình VTCI. Trong đó đánh giá cao những nỗ lực của địa phương cũng như các doanh nghiệp trong việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông. Tuy nhiên qua so sánh số liệu giữa các năm, tốc độ phát triển viễn thông trên địa bàn chưa bền vững, chưa đồng bộ.
Để Chương trình VTCI giai đoạn 2 đạt kết quả cao hơn khi đi vào thực hiện, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đề nghị địa phương cần khéo léo lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia khác vào Chương trình VTCI; các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông cần sử dụng hợp lý hơn hạ tầng viễn thông để nâng cao hiệu quả kinh doanh, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng ghi nhận những kiến nghị của địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông trên địa bàn tỉnh Dak Lak để cùng các bộ phận chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chương trình VTCI giai đoạn 2 đạt kết quả cao hơn.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc