Multimedia Đọc Báo in

Cần đề phòng sâu bệnh trong đợt hạn hán

20:15, 06/04/2013

Trong thời gian qua, đợt hạn hán trên diện rộng ở Dak Lak đã ảnh hưởng rất nhiều tới cây cà phê cùng với những dự báo sản lượng và năng suất sẽ giảm trong niên vụ 2013 – 2014, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc phỏng vấn ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này:


 

*Ông có thể cho biết tình hình hạn hán đã ảnh hưởng như thế nào đến cây trồng trên địa bàn Dak Lak trong thời gian qua?

-Từ đầu năm đến nay, tình hình khô hạn diễn biến phức tạp, tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng xảy ra tương đối nghiêm trọng. Mùa mưa năm 2012 kết thúc sớm, lượng mưa so với trung bình mọi năm ít hơn, nên lượng nước của các hồ đập, cũng như mạch nước ngầm so với trung bình của các năm thấp hơn khoảng 30%. Vì vậy lượng nước cung cấp cho cây trồng vụ đông xuân 2012 – 2013 đã gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê của các huyện thì vụ đông xuân 2012 – 2013, sản lượng cây lương thực, ngắn ngày bị mất trắng vào khoảng 2.000 ha, các cây công nghiệp lâu năm thì có khoảng 30.000 ha bị khô hạn, thiếu nước từ đó sẽ giảm năng suất và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm

*Niên vụ trước, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến năng suất của cây cà phê giảm từ 15 – 20%, còn năm nay với diễn biến hạn hán có phần khốc liệt hơn, Phòng Trồng trọt đã có đánh giá gì về năng suất niên vụ này?

-Theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các phòng trực thuộc sở trong đó có Phòng Trồng trọt phối hợp với Chi cục Thủy lợi - Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh đã đi kiểm tra đánh giá tình hình khô hạn. Từ đó cùng với các huyện đề ra các giải pháp chống hạn cho cây trồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này để đánh giá chính xác sản lượng, năng suất và thiệt hại của cây cà phê so với bình thường cũng chưa đầy đủ, vì thời tiết còn diễn biến rất phức tạp. Tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn Dak Lak đã có một số trận mưa cục bộ, tuy nhiên hiện nay lại phải tiếp tục đối mặt với các trận khô hạn. Chắc chắn rằng, năm nay sản lượng và năng suất của cây cà phê nói riêng và các cây trồng khác nói chung sẽ bị giảm, đó là điều mà ai cũng có thể nhận biết được. Và nếu hạn hán còn kéo dài nữa thì có khả năng sẽ ảnh hưởng tới cả năng suất của năm sau.

*Ông có thể nêu ra một số biểu hiện của cây cà phê sẽ bị giảm năng suất khi bị ảnh hưởng bởi hạn hán?

-Ngay tại tháng 2 và tháng 3 vừa qua, khi cây cà phê đang trong thời kỳ rất cần nước để tạo chất hữu cơ hình thành quả thì lại xảy ra tình trạng thiếu nước, khi đó quả sẽ không phát triển được, thậm chí bị thui – đó là một biểu hiện. Hạn kéo dài còn dẫn đến tình trạng: cây cà phê sẽ không chết nhưng hoa, các quả non sẽ bị rụng, thui trước để đảm bảo lượng nước, chất dinh dưỡng cho cây tồn tại và phát triển.

*Được biết diện tích qui hoạch phát triển cây cà phê của tỉnh vào khoảng 150.000-160.000 ha, nhưng đến nay diện tích đã lên đến trên hơn 200.000 ha. Càng về lâu dài người dân càng đối diện với biến đổi khi hậu bất thường, vậy tỉnh đã có chủ trương gì để điều chỉnh quy hoạch, hạn chế rủi ro do biến đổi khí hậu gây nên?

-Năm 2008, UBND tỉnh đã có Quyết định số 41 về phát triển cà phê bền vững của tỉnh cho đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, Dak Lak sẽ duy trì diện tích cà phê vào khoảng 150.000 ha, sản lượng hằng năm vào khoảng 700.000 tấn. Tuy nhiên, hiện nay diện tích cà phê của tỉnh đã vượt con số trong quy hoạch là hơn 50.000 ha. Như vậy, đối với những diện tích không nằm trong vùng quy hoạch, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã cần vào cuộc để tuyên truyền, vận động bà con không trồng thêm những diện tích cà phê đã quy hoạch; những diện tích không nằm trong quy hoạch mà năng suất thấp, bị sâu bệnh thì sẽ phá bỏ và trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Và qua đợt hạn hán này cũng là một bài học cho các cấp quản lý và bà con nông dân thấy được tình hình thiếu nước tưới, đặc biệt là những vùng trồng cà phê không nằm trong qui hoạch, từ đó cần mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng phù hợp hơn. Qua đó, đảm bảo diện tích cà phê được phát triển một cách bền vững qua Quyết định số 41 của UBND tỉnh.

*Thưa ông, tình hình hạn hán có làm gia tăng tình trạng sâu bệnh trên cây cà phê không? Và tình hình sâu bệnh diễn ra như thế nào trên địa bàn tỉnh thưa ông?

-Đã nói đến nông nghiệp thì cây trồng phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện tự nhiên. Khi thời tiết nắng hạn thế này là điều kiện rất thuận lợi cho sâu bệnh phát triển, nhất là bệnh rệp sáp trên cây cà phê. Điều kiện thời tiết khô hạn, độ ẩm thấp, rệp sáp phát triển lại hút thêm nhựa cây, từ đó dẫn đến tình trạng cây cà phê sinh trưởng và phát triển kém đi. Trên địa bàn tỉnh, tuy rệp sáp chưa phát triển thành dịch nhưng với tình hình khô hạn như thế này thì rệp sáp sẽ phát triển rất nhanh.

*Vậy ông có lời khuyên nào cho người nông dân trồng cà phê trong tình hình này?

-Do đó trong tình hình hiện tại, điều cần nhất đối với người nông dân là phải phòng là chính. Việc đầu tiên người nông dân phải thường xuyên thăm vườn, cắt cành, cắt chồi, loại bỏ những cành đã chết khô, từ đó nắm rõ diễn biến sinh trưởng, phát triển của cây trồng, cũng như phát hiện sớm các mầm mống sâu bệnh và có biện pháp diệt trừ. Tuy nhiên khi cây cà phê đã bị sâu bệnh rồi thì người nông dân cần phải phun thuốc phòng trừ, bằng các loại thuốc đặc trị được khuyên dùng, hoặc tìm các chuyên gia tư vấn về các loại thuốc cần phun. Về lâu dài thì người cần lựa những giống cây kháng sâu bệnh.

*Xin cảm ơn ông!

Gia Hưng (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc