Tìm giải pháp mở rộng tín dụng cho khu vực Tây Nguyên
Ngày 11-4-2013, tại tỉnh Gia Lai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Các giải pháp mở rộng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội vùng Tây Nguyên”.
Sản xuất, kinh doanh cà phê đang cần một chính sách tín dụng đặc thù (Ảnh: L.N) |
Tính đến cuối năm 2012, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên đạt 63.344 tỷ đồng, tăng 37,31% so với cuối năm 2011 và chiếm tỷ trọng 2,01% tồng nguồn vốn huy động toàn quốc; tổng dư nợ tín dụng đạt 104.483 tỷ đồng, tăng 13,46% và chiếm khoảng 3,38% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Mức tăng trưởng tín dụng trung bình tại khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2010-2012 đạt khoảng trên 27%/năm. Chất lượng tín dụng của khu vực khá tốt, nợ xấu chiếm tỷ lệ 1,38 % tổng dư nợ cho vay của khu vực Tây Nguyên, thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu chung toàn quốc.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, trên khu vực Tây Nguyên vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn NH để phát triển sản xuất kinh doanh là do hầu hết là các DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh mang tính gia đình có đặc điểm là quy mô nhỏ bé; năng lực tài chính và quản lý, điều hành còn yếu; phương thức sản xuất kinh doanh cũ, lạc hậu; trình độ hạch toán kế toán yếu; tiềm lực tài chính yếu, vốn tự có thấp; tài sản bảo đảm ít, hàng tồn kho cao; báo cáo tài chính thiếu tính minh bạch; sức tiêu thụ hàng hóa chậm... Về phía NH, lãi suất cho vay tuy đã liên tục giảm nhưng vẫn còn cao so với khả năng sinh lợi của một số DN; quy định điều kiện cho vay chưa linh hoạt; số lượng chi nhánh, phòng giao dịch và cán bộ NH trong khu vực còn ít trong khi địa bàn hoạt động rộng, nhiều khách hàng ở xa trụ sở NH nên có khó khăn trong việc nắm bắt thông tin của khách hàng. Mặt khác, chiến lược xúc tiến đầu tư của khu vực và từng tỉnh chưa rõ ràng, cơ chế thu hút đầu tư còn mang tính tự phát, thiếu định hướng về quy hoạch phát triển chung và liên kết vùng; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tại các tỉnh trong vùng chưa được tốt...
Vốn tín dụng đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển hạ tầng khu vực Tây Nguyên (Ảnh: L.N) |
Các đại biểu đề nghị, NH cần nghiên cứu các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của địa bàn, thiết kế các khoản vay có tính chất vụ mùa và thời điểm liên quan đến lĩnh vực trồng trọt; phát triển sản phẩm tín dụng theo chuỗi; có các sản phẩm cho vay đối với các dự án phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, quảng bá; áp dụng các điều kiện cho vay linh hoạt hơn, lãi suất các khoản vay phù hợp hơn; tăng cường các nguồn vốn khác, đặc biệt là những nguồn vốn ưu đãi để đầu tư trên địa bàn phục vụ cho phát triển nông nghiệp nông thôn; tập trung vốn cho lĩnh vực ngành nghề có năng lực cạnh tranh tốt để phát triển cà phê, hồ tiêu, cao su, cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch: xây dựng sân phơi, nhà kho, máy móc thiết bị...; tiếp tục mở rộng mạng lưới các TCTD trong vùng, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa; tổ chức thường xuyên đối thoại cởi mở - hợp tác vững bền với các hiệp hội ngành nghề, các DN để từng bước tháo gỡ, khơi thông dòng vốn đưa vào sản xuất kinh doanh... Cùng với đó, các DN cần nâng cao năng lực quản lý điều hành; nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tăng dần vốn chủ sở hữu; thực hiện minh bạch hoá tài chính; chủ động điều chỉnh lại phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh bảo đảm tính khả thi cao; tiết giảm chi phí, sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh; có kế hoạch chi tiết sử dụng nguồn vốn vay....Mặt khác, Chính phủ, các Bộ ngành cần thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng khu vực Tây Nguyên; mở rộng hơn các điều kiện ưu đãi về tín dụng quy định tại Nghị định 41/2010/NĐ-CP theo hướng tạo điều kiện cho các DN; hỗ trợ đồng bộ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho khu vực Tây Nguyên; có chính sách đầu tư bảo vệ rừng; hỗ trợ công tác khuyến nông, khuyến công; cắt giảm tối đa các loại thuế, phí không phù hợp; tăng đối tượng DN được hưởng chế độ miễn, giảm thuế...
Theo Cổng TTĐT NHNN
Ý kiến bạn đọc