Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng tại các địa bàn trọng điểm

21:46, 27/05/2013

Thời gian gần đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp cả về số vụ và mức độ vi phạm tại một số địa phương, nhất là tại các huyện: Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea H’leo.

Việc để xảy ra tình trạng trên có nguyên nhân chủ yếu là do các cấp, các ngành chưa tập trung thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Trung ương, của UBND tỉnh về bảo vệ rừng; một số chủ rừng, cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ bảo vệ rừng chưa làm tốt nhiệm vụ được giao, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, làm ngơ, bao che cho đối tượng vi phạm.

Hiện trường một vụ phá rừng thông tại xã Cư Né, huyện Krông Buk
Hiện trường một vụ phá rừng thông tại xã Cư Né, huyện Krông Buk

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện yêu cầu các địa phương, ban, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng tại các địa bàn trọng điểm. Cụ thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, tổ chức truy quét, kiểm tra các điểm nóng xâm hại tài nguyên rừng; kiểm tra xử lý “đầu nậu”, các loại phương tiện độ chế, các phương tiện phá rừng và các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng xảy ra trên địa bàn. Riêng các chốt kiểm tra liên ngành của huyện, giao chủ tịch UBND các cấp huyện kiểm tra, giải quyết theo quy định; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện tiếp tục công tác phát động quần chúng, tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm sâu rộng đến người dân để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ vi phạm các quy định của Nhà nước phải kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật. Việc giải quyết đất sản xuất cho các hộ dân thực sự thiếu đất trên địa bàn, chủ tịch UBND cấp huyện kiểm tra, đề xuất chủ trương lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để giải quyết cho dân theo quy định pháp luật hiện hành.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, xử lý trách nhiệm của chủ rừng, công chức, viên chức làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn để xảy ra xâm hại tài nguyên rừng; xử lý nghiêm đối với các công chức, viên chức vi phạm; đối với nội dung phản ánh việc kiểm soát tại các trạm kiểm soát liên ngành tại các huyện Buôn Đôn, Ea Súp..., Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan  có biện pháp xử lý theo quy định. Phối hợp với UBND cấp huyện rà soát hoạt động của các trạm, chốt kiểm soát lâm sản hiện có, giải thể những trạm, chốt hoạt động không hiệu qủa; nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh thành lập các trạm kiểm tra liên ngành do lực lượng kiểm tra cấp tỉnh làm nòng cốt trên một số địa bàn trọng điểm. Tăng cường kiểm tra các dự án trồng cao su, cải tạo trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, đề xuất thu hồi dự án và xử lý nghiêm những dự án để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.

Chủ rừng (giám đốc các công ty lâm nghiệp, vườn quốc gia, khu bảo tồn, ban quản lý, chủ tịch UBND cấp xã...) tăng cường triển khai phương án quản lý rừng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền các hành vi xâm hại rừng, đồng thời phải báo cáo ngay với cơ quan chức năng để phối hợp xử lý nghiêm theo quy định; nếu để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm phải xử lý nghiêm các cán bộ quản lý sai phạm, thiếu trách nhiệm.

Giám đốc Công an tỉnh kiểm tra, xử lý thông tin về một số cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an chưa phát huy trách nhiệm trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, có những dấu hiệu tiêu cực. Lập chuyên án điều tra, xử lý những “đầu nậu”, đường dây buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép; rà soát xử lý dứt điểm các vụ án còn tồn đọng, phối hợp với các cơ quan tư pháp để sớm đưa ra xét xử lưu động; kiểm tra xử lý đối với các loại phương tiện độ chế, tàu thuyền lưu hành trái phép.

Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp Sở Công Thương và chính quyền địa phương tổng kiểm tra việc sản xuất xe độ chế của các cơ sở cơ khí sản xuất gia công xe độ chế để xử lý theo thẩm quyền và quy định hiện hành.

Đ.T

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.