Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)
Ngày 31-5, Sở VH-TT-DL đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Đại diện các sở, ngành và lãnh đạo của 15 huyện, thị xã và thành phố về dự hội nghị.
Bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc truyền thống là một trong những nôi dung mà ngành văn hóa quan tâm |
Hội nghị đánh giá: để thực hiện tốt và có hiệu quả việc xây dựng và phát triển nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong 15 năm qua (1998-2013), ngành văn hóa Dak Lak đã tập trung, chú trọng đến các nội dung sau: xây dựng môi trường văn hóa, trong đó hạt nhân là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư"; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa và củng cố, hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Báo cáo tổng kết cho thấy: đến nay toàn tỉnh đã có hơn 285.000 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm khoảng 75% tổng số hộ trên toàn tỉnh); gần 1.500 thôn, buôn, tổ dân phố và hơn 1.465 cơ quan, đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa. Cũng trong thời gian qua, Sở VH-TT-DL đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa công chiêng Dak Lak giai đoạn 2007-2010 và 2011-2015”; ngành văn hóa đã tổ chức nhiều đợt điều tra di sản văn hóa cồng chiêng, phục dựng các lễ hội truyền thống, truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số bản địa. Phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện thành công “Đề án điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch, xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” với kết quả: có 35 bộ sử thi Ê đê, M’nông được xuất bản. Trong những năm qua, ngành văn hóa Dak Lak cũng đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật hàng chục di chỉ khảo cổ thuộc các địa bàn Buôn Ma Thuột, huyện Lak, Krông Năng, Ea H’leo, Krông Pak, Buôn Đôn… qua đó phát hiện hàng nghìn hiện vật có giá trị, đưa vào trưng bày và lưu giữa tại Bảo tàng Dak Lak. Ngoài ra, công tác nghiên cứu văn hóa dân tộc, bảo tồn buôn làng truyền thống, bảo tồn, bảo tàng và hoạt động giao lưu văn hóa- nghệ thuật cũng được tổ chức thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về xây dựng và phát triển nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Dak Lak là mảnh đất hôi tụ nhiều sắc thái văn hóa, trong đó hát tuồng cổ (Bình Định) cũng được ngành văn hóa bảo tồn và phát triển |
Hội nghị cũng đã nêu một số hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII): đó là sự phát triển văn hóa chưa đồng bộ và tương xứng với sự tăng trưởng kinh tế; môi trường văn hóa còn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội tồn tại dưới các hình thức mê tín, dị đoan, độc hại và thấp kém; vẫn còn thiếu vắng những chương trình, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống hiện đại. Không gian buôn làng truyền thống bị thu hẹp dần, phương thức sản xuất và tín ngưỡng có sự thay đổi, phân hóa đã làm mai một vốn văn hóa truyền thống, nhất là đối với các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới cần chú trọng hơn nữa việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh… trong đó yếu tố con người với phẩm chất cách mạng và thời đại mới thông qua cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là động lực quan trọng, quyết định thắng lợi việc xây dựng và phát triển nền Văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong những năm tiếp theo.
Đ.Đ
Ý kiến bạn đọc