Multimedia Đọc Báo in

30 năm hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Nồng ấm tình đồng nghiệp

14:14, 28/06/2013

Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ II  (vòng IV) do Báo Quảng Nam đăng cai, diễn ra tại Hội An ngày 26-6, với chủ đề “Liên kết tuyên truyền phát triển du lịch”. Tính từ cuộc hội thảo đầu tiên (tháng 4-1983), Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên đến nay đã đi được một chặng đường tròn 30 năm...

Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ II (vòng IV) do Báo Quảng Nam đăng cai, diễn ra tại Hội An, ngày 26 - 6, với chủ đề “Liên kết tuyên truyền phát triển du lịch”. Hội thảo diễn ra đúng thời điểm tỉnh Quảng Nam tổ chức“Festival Di sản” và chung kết cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam tại Hội An.

Quảng Nam, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, quê hương của chí sĩ yêu nước - nhân tài tuấn kiệt Trần Quý Cáp, Hoàng Diệu, Phan Thành Tài, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh…; Điện Bàn mảnh đất thiêng liêng, nơi đây hơn sáu ngàn Mẹ Việt Nam anh hùng đã thầm lặng hiến dâng những đứa con cho Tổ Quốc, nơi tượng đài Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã đi vào huyền thoại; anh hùng Nguyễn Văn Trỗi “có những phút làm nên lịch sử/có cái chết hóa thành bất tử”. Quảng Nam - một điểm đến hai di sản văn hóa thế giới, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng; quê hương của những danh nhân, nhiều nhà báo, nhà văn tên tuổi. HỘI và THẢO - cuộc hội ngộ đồng nghiệp báo chí ân tình! Quảng Nam giàu tiềm năng du lịch, quê hương của 2 di sản văn hóa thế giới: phố cổ Hội An, Tháp chàm Mỹ Sơn; Khu Cù Lao Chàm (Hội An)  được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Quảng Nam nằm trên trục hành lang kinh tế đông – tây, rất gần với các thắng cảnh du lịch Đà Nẵng, cố đô Huế … (phía bắc), Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang - Khánh Hòa… (phía Nam). Liên kết du lịch giữa các địa phương còn yếu, “Liên kết tuyên truyền du lịch” giữa các phương tiện truyền thông đại chúng trong khu vực làm chưa được bao nhiêu. Chủ đề hội thảo lần này, do Báo Quảng Nam khởi xướng thật có ý nghĩa.

Bên sông Hàn 7 năm trước

Đến Quảng Nam lần này, tôi chợt nhớ cuộc hội thảo 7 năm trước, do Báo Đà Nẵng - người anh em cùng cội nguồn với Báo Quảng Nam đăng cai tổ chức. Ngày 24-4-2007, anh Ngô Quy Nhơn (Sáu Nhơn), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Đà Nẵng, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng điện thoại cho tôi từ sông Hàn: “Anh hứa rồi đấy nhé, không đi Đà Nẵng dự hội thảo là nghỉ chơi đấy. Sau cuộc này, tôi nghỉ hưu!”.

Tác giả (thứ hai bìa phải) và các đại biểu tham dự triển lãm ảnh báo chí chủ đề du lịch tại Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ II (vòng IV). Ảnh: N.X
Tác giả (thứ hai bìa phải) và các đại biểu tham dự triển lãm ảnh báo chí chủ đề du lịch tại Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ II (vòng IV). Ảnh: N.X

Từ chối bạn bè không đặng. Ngày 25-4-2007, tôi bỏ 2 cuộc họp ở Hà Nội, đáp máy bay vào Đà Nẵng. Đồng nghiệp thân thương thành phố sông Hàn đón từ sân bay; tôi đến ngay phòng họp. Hội thảo khai mạc trước đó nửa giờ. Đúng là cả HỘI và THẢO, vui thật vui. HỘI để thêm đậm đà tình đồng nghiệp. Có người đã yêu, nên vợ nên chồng từ những cuộc hội thảo này. THẢO thật bổ ích, truyền kinh nghiệm cho nhau, học hỏi lẫn nhau - mỗi kỳ THẢO là một chủ đề nghiệp vụ. Tổng Biên tập Sáu Nhơn có một “dàn” lễ tân thật chuyên nghiệp, chu đáo. Cứ mỗi khi tôi đang kẹt điều gì là “dàn” lễ tân lập tức có mặt, ngẫu nhiên mà lại tất nhiên.

Đêm giã bạn, mấy trăm nhà báo tề tựu bên bờ sông Hàn. Đà Nẵng về đêm,  sông Hàn lung linh huyền diệu. Sáu Nhơn và nhiều đồng nghiệp đệm đàn ghi-ta, hát một bài hát vui - tếu táo mà Ngô Quy Nhơn “nhại lời” theo nhạc bài “Lời Người ra đi” của nhạc sĩ Trần Hoàn. Thời ấy có đồng nghiệp nói vui bài hát đó là “Hội thảo ca”. Tại một cuộc hội thảo ở Báo Quảng Bình, Bộ trưởng Trần Hoàn, không hề giận mà còn đệm đàn ghi-ta để Sáu Nhơn và đồng nghiệp hát bài “Hội thảo ca” vui đáo để! Nghỉ hưu đã 7 năm, nhưng hình ảnh Sáu Nhơn vẫn in dấu sâu đậm trong tâm khảm đồng nghiệp khu vực - một Tổng Biên tập chịu chơi, nghĩa tình. 

Báo chí thành phố sông Hàn đổi mới. Bão tố, sông Hàn dữ dội. Hết bão, sông Hàn lại hiền hòa dịu êm. Sông Hàn những đêm pháo hoa huyền ảo đẹp như trong tranh. Cầu sông Hàn từ khách sạn Bạch Đằng nhìn ra cắt nhịp lúc nửa đêm và lại nối nhịp bờ vui khi bình minh sắp hé rạng. Bên kia sông Hàn, sát biển đã hình thành những khu du lịch mới chạy dài - theo con đường ven biển đến phố cổ Hội An, Cửa Đại, khu du lịch nghỉ dưỡng Le Belhhamy – Điện Dương, Điện Bàn. Đà Nẵng và Quảng Nam tuy hai mà vẫn một - đất và người, báo chí - truyền thông năng động, đổi mới, phát triển.

Buôn Ma Thuột...     

Sáu tháng sau, 25-10-2007, tôi lại có mặt ở Buôn Ma Thuột dự hội thảo báo Đảng khu vực, do Báo Dak Lak đăng cai tổ chức, bàn về một chủ đề mới: Tuyên truyền cho thương hiệu Việt; Người Việt dùng hàng Việt. Tại hội thảo này, lần đầu tiên báo Đảng khu vực tổ chức thành công giải báo chí về chủ đề “Thương Hiệu Việt”, diễn ra đúng dịp Festival cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể. Khen cho báo chủ nhà, Tổng Biên tập Trương Minh Thắng khéo sắp đặt. Có đồng nghiệp chưa “khoái” Trương Minh Thắng, cho rằng anh ít “nhậu”, không sôi nổi như Sáu Nhơn ở sông Hàn. Ở đời, mỗi người một tâm tính, cân đong đo đếm sao được, cốt là ở cái nghĩa, cái tình. Đúng là Trương Minh Thắng kỵ với bia rượu, bởi cơ địa anh… chỉ một “vại” là “gục”. Qua thử thách mới biết bạn hiền. Tổng Biên tập Trương Minh Thắng ăn ở có trước, có sau. Anh là Tổng Biên tập “khởi xướng” việc mời các bô lão - cựu trào làng báo Đảng tham dự hội thảo. Cuộc hội thảo lần thứ XI (vòng III) lúc đó, anh chủ động mời các nhà báo Nguyễn Ngọc (Khánh Hòa), Tô Phương (Phú Yên), Ngô Quy Nhơn (Đà Nẵng), Nguyễn Văn Nhị (ĐakLak)… Một số “bô lão”, do đường xa, tuổi cao sức yếu đã không thể có mặt. Cuộc hội ngộ trẻ già - các thế hệ ngày ấy diễn ra chu đáo, nồng ấm. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm, tạo điều kiện tối đa về các mặt, cùng dự hội thảo với nhà báo từ đầu đến khi kết thúc. Khách hội thảo du ngoạn Bản Đôn - du lịch cưỡi voi, chiêm nghiệm con sông chảy ngược Sê-rê-pôk. Bản Đôn - hai tiếng ấy vọng về gần gũi, thân thương - lạ lắm! 

Tổng Biên tập Trương Minh Thắng làm báo từ năm 1976, lúc vừa tròn 19 tuổi. 37 năm “hóa thân” cùng tờ báo, Báo Dak Lak không ngừng đổi mới, phát triển. Năm 2012, Tổng biên tập được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đầu năm 2013, Trương Minh Thắng bước vào tuổi 56, tổ chức thông báo sẽ điều động anh nhận nhiệm vụ mới, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Nguyện vọng của anh là được tiếp tục làm báo thêm 3 năm nữa, cho đến ngày nghỉ hưu. Nhưng nguyện vọng đó không được tổ chức chấp nhận. Anh viết đơn xin nghỉ công tác tại cơ quan Báo Dak Lak, theo các quy định của Nhà nước. Ngày 17-6-2013, Trương Minh Thắng nhận dược quyết định thôi nhiệm vụ Tổng biên tập từ đầu tháng 7-2013. Anh chỉ có 2 tuần bàn giao công việc, nói lời tạm biệt với các cộng sự, chia tay bạn bè, đồng nghiệp. Trương Minh Thắng có mặt tại hội thảo báo Đảng ở Quảng Nam lần này, dự hội thảo báo Đảng khu vực lần cuối, với tư cách là Tổng biên tập. Anh gửi tặng đại biểu dự hội thảo 150 đĩa nhạc – phổ thơ anh, món quà nghĩa tình của một Tổng biên tập say nghề, yêu thơ, yêu nhạc – tấm lòng với bè bạn xa gần.

...Và Tuy Hòa   

Với chủ đề “Báo Đảng góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương”, cuối tháng 12 năm 2012, tại TP. Tuy Hòa, Báo Phú Yên đăng cai hội thảo báo Đảng khu vực lần thứ nhất (vòng IV). Tổng Biên tập Phạm Ngọc Phi nhận đăng cai cuộc hội thảo này khi bước vào tuổi lục tuần, với ngầm ý chia tay bè bạn, trước khi “hạ cánh”. Tiếp nối nhiệm vụ của “bô lão” Tô Phương ngần ấy năm, đời nghề Phạm Ngọc Phi trải qua nhiều sóng gió. Anh bị kiểm điểm, nhắc nhở, nhận án kỷ luật khiển trách, do đăng thơ “Nếu không muốn đi hết con đường” của Nguyễn Phong Việt, một người con của quê hương Phú Yên, làm báo tại TP. Hồ Chí Minh. Đó là một trong những bài thơ về  tình yêu, nói về sự thổn thức của trái tim đôi lứa. Tại hội thảo tháng 12-2012, truyện ngắn “Bóng anh hùng” của Doãn Dũng “nóng” lên trên diễn đàn. Báo Phú Yên đăng lại truyện ngắn Bóng anh hùng, đã được xuất bản thành sách; nhiều ý kiến phản hồi, kẻ khen, người chê, thậm chí chê gay gắt. Thật ra, Bóng anh hùng chưa phải là truyện ngắn hay, nhưng không sai phạm quan điểm chính trị. Đúng và sai bao giờ cũng có chuẩn mực, được phân định rõ ràng. Cảm thụ văn học giữa sách và báo còn khoảng trống vô hình. Làm báo địa phương quả là cũng có cái khó riêng của nó.

Đêm giã bạn, Phạm Ngọc Phi cùng tôi và đồng nghiệp nhâm nhi ly cà phê trên bãi biển Tuy Hòa. Mắt anh như nhòa đi. Đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu bao trăn trở đời và nghề. Phạm Ngọc Phi xúc động: “Thế là được, tôi đã làm việc hết mình, cống hiến hết mình, sống hết mình, không có gì ân hận!...”.

***

Mới ngày nào đó mà thấm thoắt đã tròn 30 năm kể từ cuộc hội thảo mở đầu của khu vực – tháng 4 năm 1983. Nhiều người “khởi xướng” hội thảo đã nghỉ hưu, có đồng nghiệp đã ra đi, về cõi vĩnh hằng. Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung – Tây Nguyên không  chỉ có ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Dak Lak, Phú Yên như vừa nêu. Chỉ một bài viết ngắn, kể sao hết bao kỷ niệm của những ngày hội thảo, những đêm giã bạn hát hò thâu đêm ở Đà Lạt, Sầm Sơn, Cửa Lò, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Đông Hà, Cố đô Huế, Hội An, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Playcu, Kon Tum, Gia Nghĩa v.v… 19 báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên, 19 gương mặt báo chí đổi mới. Mỗi báo một cách đăng cai, nhưng hội thảo nào cũng  ấn tượng cả 2 phần HỘI và THẢO. Đến hẹn lại lên, sáu tháng một lần tụ hội. Đâu đấy, có ý kiến cho rằng các cuộc hội thảo kiểu này gây tốn kém, ít hiệu quả. Tôi thuộc “phái” hoan nghênh hội thảo, tâm phục, khẩu phục các báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên. Không có các cuộc HỘI và THẢO thì báo chí địa phương sao “vượt ra khỏi lũy tre làng”, như cựu Tổng biên tập Báo Thanh Hóa Nguyễn Văn Giá đã nói từ năm 1983. Báo tỉnh nào chỉ biết tỉnh đó, không có cơ hội giao lưu, học hỏi. Không có HỘI và THẢO thì làm sao có được những bài học nghiệp vụ sâu sắc có thể tổng kết, những  “báo ca”, “hội thảo ca”, những cuộc tình nhân văn, rất đời, rất nghiệp; những cuộc hành quân xuyên Việt vào Nam ra Bắc, dọc dải đất miền Trung khí hậu khắc nghiệt, nhiều nắng gió, nhưng rất ấm tình.

Hội thảo báo Đảng khu vực lần thứ II – vòng IV do báo Quảng Nam đăng cai tổ chức lần này, có sự tham gia của các nhà báo cao tuổi, nguyên là các Tổng biên tập “khai sinh” hội thảo, như nhà báo Nguyễn Văn Giá (Thanh Hóa), Nguyễn Ngọc (Khánh Hòa), Hoàng Trà (Đà Nẵng) … Tổng biên tập báo chủ nhà Quảng Nam Lê Văn Nhi nói: “Sự có mặt của các bậc cao niên,  khẳng định các thế hệ làm báo đàn em luôn luôn biết ơn, coi trọng, đánh giá cao sáng kiến hội thảo khu vực của thế hệ đàn anh. Đó cũng chính là tinh thần uống nước nhớ nguồn …”.

Bổ ích, thiết thực, hiệu quả, vui thật vui. Đó là điều mà các hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã, đang hướng tới.

Phạm Quốc Toàn

(Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.