Huyện Buôn Đôn: Báo động tình trạng vi phạm tài nguyên rừng và nguồn lợi thủy sản
Viện KSND huyện Buôn Đôn vừa có văn bản kiến nghị đến Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn đề nghị chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo công tác đấu tranh phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn.
Trong những năm gần đây, tình trạng khai thác gỗ lậu, săn bắt động vật hoang dã, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy trái phép trên địa bàn huyện Buôn Đôn diễn biến hết sức phức tạp, khiến diện tích và tài nguyên rừng bị suy giảm nghiêm trọng. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2013, các cơ quan chức năng đã phát hiện và lập biên bản xử lý 664 vụ vi phạm lâm luật (tăng 185 vụ so với cùng kỳ năm 2012), tịch thu 674,537 m3 gỗ các loại (tăng 160,269 m3) và 571 phương tiện các loại dùng để khai thác gỗ trái phép.
Cùng với thực trạng tài nguyên rừng đang bị xâm hại nghiêm trọng thì việc khai thác ồ ạt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn Buôn Đôn cũng đang ở mức báo động. Những năm gần đây, nhiều đối tượng đã sử dụng các phương tiện đánh bắt cá mang tính “tận diệt” trên sông Sêrêpốk như nổ mìn, dí điện hoặc sử dụng chất độc, thực vật có chứa độc tố để đánh bắt cá. Điều này đã làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, huỷ diệt môi trường sống của các loài thuỷ sản, gây thiệt hại nghiêm trọng đến nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn của huyện.
Hiện trường một vụ khai thác gỗ hương trái phép trong vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn (thuộc địa bàn huyện Buôn Đôn). |
Theo đánh giá của Viện KSND huyện Buôn Đôn thì nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do người dân chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không lường hết những hậu quả lâu dài. Trong khi đó công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ lâm sản và nguồn lợi thuỷ sản của các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều thiếu sót, sơ hở, dẫn đến tình hình vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Viện KSND huyện Buôn Đôn đề nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo chính quyền các xã, các cơ quan, ban ngành có liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động, tăng cường công tác tuần tra, canh gác để bảo vệ rừng, bảo vệ lâm sản, thuỷ sản; tìm giải pháp để tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ dân sống ở vùng đệm, vùng ven rừng... Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần phải quản lý chặt các đối tượng vi phạm đã bị xử phạt hành chính, kiên quyết lập hồ sơ xử lý hình sự nếu các đối tượng này tiếp tục vi phạm…
V.C
Ý kiến bạn đọc