Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương: Tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng

15:45, 25/12/2013

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Sau hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chiều 24-12, Hội nghị Chính phủ với các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 đã kết thúc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị


Trong buổi chiều 24-12, Hội nghị tiếp tục nghe các ý kiến đóng góp của bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giáo dục, Tài nguyên Môi trường, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông Vận tải... Các ý kiến tập trung xoay quanh giải quyết các khúc mắc của các địa phương và các giải pháp nhằm thực hiện tốt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.

Đáng chú ý trong các phát biểu của các bộ trưởng, vấn đề tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; vấn đề đầu tư công, trong đó có các hình thức đầu tư được các đại biểu tham dự Hội nghị đặc biệt quan tâm.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đóng góp ý kiến vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đóng góp ý kiến vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông


Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các kiến nghị chung của các bộ, ngành, địa phương để đưa vào Nghị quyết của phiên họp; đồng thời đề nghị các bộ, ngành hữu quan tiếp thu và xử lý các kiến nghị cụ thể của các địa phương, nếu các kiến nghị vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ để xem xét, quyết định.

Sau khi khái quát lại những kết quả đã đạt và chưa đạt được trong năm 2013, Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ năm 2014 rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị mới có thể hoàn thành những mục tiêu đề ra. Do đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần triển khai quyết liệt, trách nhiệm cao, đồng bộ, toàn diện, nhưng cũng cần có trọng tâm. Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2014, các bộ, ngành, địa phương phải bắt tay ngay vào thực hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần bám sát 9 nhóm giải pháp lớn để thực hiện Nghị quyết đã đề ra, trong đó tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

9 nhóm giải pháp lớn để thực hiện nhiệm vụ năm 2014:
1. Tiếp tục ổn định kinh  tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
2. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
3. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
4. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
5. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng  phó với biến đổi khí hậu.
6. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại tố cáo.
7. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
8. Mở rộng  và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
9. Tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.