Multimedia Đọc Báo in

Cần phải có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tội phạm

17:49, 03/01/2014
Sáng ngày 3-1, Ban Chỉ đạo Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm Chính phủ (gọi tắt là BCĐ 138/CP) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2013 và triển khai phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2014. 
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ 138/CP chủ trì hội nghị. Dự Hội nghị có Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 138/CP; Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng BCĐ 138/CP cùng các đồng chí trong BCĐ 138/CP; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Đồng chí Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 138 tỉnh Dak Lak chủ trì tại điểm cầu Dak Lak.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nhấn mạnh: trong năm 2013, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ; sự chỉ đạo quyết liệt của BCĐ 138, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm (PCTP) được đẩy mạnh, qua đó đã kịp thời ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội. Lực lượng Công an luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt trong đấu tranh triệt phá và phòng ngừa tội phạm. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc luôn được các địa phương quan tâm triển khai sâu rộng, xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả hàng nghìn mô hình tự quản về ANTT. Nhờ đó, quần chúng nhân dân đã cung cấp hàng chục nghìn tin có giá trị, giúp lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ tội phạm… Những kết quả trên mặt trận đấu tranh PCTP thời gian qua đã giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế -.xã hội của đất nước…

 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Dak Lak
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Dak Lak
Theo đánh giá tại hội nghị, trong năm 2013, nhờ làm tốt công tác chỉ đạo điều hành nên các cơ quan liên quan cũng như các thành viên đã kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch PCTP và tổ chức triển khai đồng bộ nhiều chương trình, giải pháp phối hợp phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và đã mang lại hiệu quả tích cực, nhất là việc chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hoá, giáo dục người phạm tội tại cộng đồng dân cư… 
Trong năm 2013, lực lượng Công an trong cả nước đã điều tra, khám phá trên 44.000 vụ phạm pháp hình sự, triệt phá trên 2.600 băng nhóm, tội phạm; bắt và vận động đầu thú trên 11.000 đối tượng truy nã, trong đó 2.328 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm; đã phát hiện xử lý trên 12.000 vụ phạm tội về kinh tế, hơn 400 vụ tham nhũng; phát hiện trên 13.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, xử lý hành chính hơn 10.000 vụ; phát hiện, bắt giữ trên 18.000 vụ, 28.000 đối tượng phạm tội về ma tuý...
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí guyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ 138/CP đánh giá cao những kết quả trong công tác đấu tranh PCTP trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thời gian gần đây, một số vụ tội phạm về kinh tế, tham nhũng diễn ra ngày càng nhiều với tính chất nghiêm trọng, do đó cần phải làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt là trách nhiệm quản lý của các cơ quan, đơn vị, địa phương… Để làm tốt hơn công tác phòng chống tội phạm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 48 CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 37 của Quốc hội, Nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIII về công tác PCTP trong tình hình mới, đồng thời cần phải có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong PCTP. 
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức cần tăng cường công tác giáo dục, xã hội hoá công tác phòng ngừa tội phạm. Các cơ quan tư pháp, hành pháp phối hợp chặt chẽ, kịp thời sớm đưa ra xét xử các vụ án lớn, tăng cường xét xử lưu động nhằm răn đe tội phạm... góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường tốt để phát triển kinh tế- xã hội.
Việt Cường 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.