Gia tăng giá trị ngay từ "đầu vào" cho cà phê
Có nhiều cách để gia tăng giá trị cho cà phê. Trong đó gia tăng giá trị ngay từ “đầu vào” với việc bảo đảm những yêu cầu kỹ thuật trong toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc và chế biến cà phê chất lượng cao, bền vững, đã, đang và sẽ trở thành xu hướng tất yếu của những người làm cà phê ở Dak Lak…
Gia tăng giá trị cho cà phê cần quan tâm đến toàn bộ quy trình sản xuất và chế biến |
Trăn trở về điều này, ông Hồ Sỹ Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Phước An cho rằng: Mục tiêu sản xuất cà phê ai cũng quan tâm đến việc gia tăng giá trị. Nhiều người quan tâm đến công đoạn rang xay, đây cũng là vấn đề quan trọng nhưng không phải là tất cả. Bởi còn có 3 vấn đề khác nữa cần được lưu tâm để gia tăng giá trị cho cà phê, đó là: cải tạo giống, thu hoạch, công nghệ chế biến. Đây là những vấn đề rất gần gũi với nông dân, người trực tiếp làm ra hạt cà phê. Ông Trung phân tích: Nói là 3 vấn đề nhưng lại bao trùm nhiều nội dung và có sự liên kết, móc xích với nhau. Công nghệ chế biến ướt hiện bảo đảm cho sản phẩm cà phê chất lượng cao, có chứng nhận, gia tăng giá trị từ 200-500 USD/kg. Nhưng để có được sự gia tăng giá trị này lại là kết quả của việc đồng thời quan tâm, thực hiện tốt các khâu từ giống, phương pháp, quy trình chăm sóc, thu hái bảo đảm sản xuất bền vững.
Với nhận thức ấy, năm 2003, Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Phước An tham gia sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ Certified (chứng chỉ toàn cầu về sản xuất sạch). Theo tiêu chuẩn này, việc tưới nước, làm cỏ, cắt cành, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, cà phê thu hái bảo đảm chín 90% trở lên để phục vụ công nghệ chế biến ướt cộng với quan tâm xử lý môi trường. Diện tích cà phê phân tán nhỏ lẻ, chủ yếu là trong dân, trong khi người dân không thể một mình đảm đương tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững, Công ty đã khuyến khích nông dân tham gia chương trình này, một phần cũng để doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu sạch. Theo đó, diện tích cà phê của Công ty chỉ có 900 ha nhưng đã liên kết với nông dân hơn 500 ha, nâng tổng diện tích sản xuất cà phê chất lượng cao lên con số 1.420 ha. Mỗi niên vụ, trung bình Công ty xuất khẩu khoảng 1.000 tấn cà phê có chứng nhận sang những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Ông Nguyễn Ngọc Tú, phụ trách tổ sản xuất của Công ty cho biết: Sản xuất cà phê chất lượng cao đòi hỏi những yêu cầu ngặt nghèo hơn nhưng chất lượng cao hơn, giá trị cũng gia tăng. Còn ông Hoàng Hải Đăng, thôn Ea Nguôl, xã Cư Né, huyện Krông Buk, một nông dân tham gia nhận khoán làm cà phê chất lượng cao cho Công ty thì chia sẻ: Áp dụng bộ quy tắc sản xuất cà phê bền vững sẽ có những đòi hỏi khắt khe trong chăm sóc, thu hái nhưng đổi lại cà phê được chăm sóc với tỷ lệ phân hữu cơ cao hơn phân vô cơ, bảo đảm cho cà phê sạch, cây cà phê được bền hơn. Tỷ lệ hái chín bảo đảm, nông dân cũng được trợ giá khoảng 1 nghìn đồng/kg.
Một góc dây chuyền chế biến cà phê của Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Phước An |
Cũng như Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Phước An, nhiều đơn vị, doanh nghiệp và cùng với họ là những người nông dân cũng đã quan tâm đến cách gia tăng giá trị ngay từ trên vườn cây cho cà phê. Và theo như lý giải của các doanh nghiệp, cách gia tăng này còn phù hợp là bởi dù ít hay nhiều các doanh nghiệp đều đang sở hữu diện tích vườn cây và chẳng có lý gì lại không tận dụng, sinh lợi cho tài sản mình đang có. Gần 10 năm thực hiện sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ea Pôk đã xây dựng quy chế chặt chẽ để truy nguyên nguồn gốc, bảo đảm cà phê có chất lượng, đem lại lợi nhuận cho cả người dân và doanh nghiệp trên cùng một vườn cây. Cụ thể, công nhân nhận khoán phải sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt tỷ lệ thu hái phải đạt tỷ lệ 90% trở lên, nếu vi phạm sẽ bị phạt theo mức 2 kg/tạ cà phê tươi. Ngược lại, cà phê đạt chất lượng cao, Công ty mua giá cao hơn giá thị trường 450-500 USD/tấn. Với sản phẩm cà phê có chứng nhận, giá trị và vị thế của hạt cà phê làm ra được nâng lên khi Công ty đã trở thành một trong số ít những đơn vị xuất khẩu cà phê trực tiếp, thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Mỹ, một số nước EU khác. HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (thôn 1, xã Ea Kiết, Cư M’gar) cũng đã chọn hướng đi gia tăng giá trị cho cà phê bắt đầu từ khâu chăm sóc, thu hái, chế biến. Trong suốt quá trình canh tác, xã viên phải tuân thủ các yêu cầu, quy trình kỹ thuật về trồng cây che bóng, phun thuốc, bón phân, cắt cành; thu hái đạt tỷ lệ quả chín 80% trở lên; cà phê sau khi thu hoạch, trong vòng 24 giờ phải đưa vào hệ thống chế biến ướt. Sản phẩm cà phê nhân làm ra đáp ứng đủ, đúng các yêu cầu sẽ được cấp chứng nhận Thương mại công bằng (Fair-trade). Xã viên được thưởng thêm 300 đồng/kg khi thu hái bảo đảm tỷ lệ chín 80% trở lên. Mức thu mua tỷ lệ thuận theo mức biến động của giá cà phê trên thị trường nhưng điều đặc biệt là có mức giá tối thiểu khi thu mua là 1,8 USD/kg, tức vào khoảng gần 37 nghìn/kg.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc