Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Quy chế Dân chủ
17:51, 05/03/2014
Sáng ngày 5-3, Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Quy chế Dân chủ (QCDC) tỉnh đã tổ chức họp đánh giá kết quả hoạt động năm 2013 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2014. Đồng chí Cao Đức Khiêm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ thực hiện QCDC chủ trì cuộc họp.
Thời gian qua, BCĐ thực hiện QCDC các cấp đã được quan tâm củng cố, kiện toàn và chủ động đề ra các kế hoạch công tác, tăng cường kiểm tra thực hiện QCDC ở cơ sở. Việc thực hiện QCDC cơ sở tiếp tục được triển khai, phát huy hiệu quả và có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều việc đã được công khai cho nhân dân, người lao động biết, tham gia bàn bạc và giám sát. Nhờ đó đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức trách nhiệm, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, cải tiến lề lối làm việc, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính…, tạo động lực để phát triển xã hội.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Cao Đức Khiêm: Cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện QCDC |
Đáng ghi nhận là việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 tại nhiều địa phương đã từng bước được nâng cao. Việc thực hiện Nghị định 07/NĐ-CP, Nghị định 87/NĐ-CP của Chính phủ về QCDC trong các doanh nghiệp (nay là Nghị định 60 của Chính phủ) đã được thường xuyên quan tâm chỉ đạo và triển khai có hiệu quả. Việc thực hiện QCDC trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo Nghị định 71/1998/NĐ-CP của Chính phủ cũng đạt được những kết quả tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc họp cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện QCDC thời gian qua. Cụ thể, BCĐ thực hiện QCDC một số nơi chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy ban hành chương trình, kế hoạch hoạt động; chưa duy trì chế độ sinh hoạt theo định kỳ. Một số cơ quan hành chính, sự nghiệp và các doanh nghiệp khi thực hiện QCDC chưa gắn với việc cải cách thủ tục hành chính, chưa phát huy hết vai trò hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Chất lượng thực hiện QCDC cơ sở chưa đồng đều, thiếu thường xuyên, một số nơi còn mang tính hình thức.
Bà Võ Thị Hạnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, thành viên BCĐ phát biểu ý kiến tại cuộc họp |
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đồng ý với các ý kiến phân tích về hạn chế trong việc thực hiện QCDC thời gian qua.
“Trong hoạt động của BCĐ cũng còn nhiều hạn chế, nhiều thành viên chưa dành quỹ thời gian hợp lý để tham gia công tác chỉ đạo, chưa có nhiều ý kiến tham mưu cho BCĐ cũng như Thường trực Tỉnh ủy. Trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chưa thường xuyên, quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện QCDC, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác này chưa cao; nhận thức về QCDC ở nhiều cơ quan, địa phương chưa sâu…” - đồng chí Cao Đức Khiêm nhấn mạnh.
Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Cao Đức Khiêm yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền sâu rộng về việc thực hiện QCDC, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết 25-NQ/TW năm 2013 của Trung ương về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; tiếp tục đầy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó cần tăng cường hơn nữa công tác phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, đoàn thể. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp… đối với việc thực hiện QCDC. Đặc biệt, trong công tác kiểm tra việc thực hiện QCDC, quan điểm chỉ đạo của tỉnh là tập trung vào những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có vấn đề phức tạp, nảy sinh khiếu nại tố cáo…
Việt Cường
Ý kiến bạn đọc