Multimedia Đọc Báo in

Ban chỉ đạo Đề án phát triển cà phê bền vững họp đánh giá kết quả đề án năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012

20:06, 05/04/2012

Ngày 5-4, UBND tỉnh tổ chức họp Ban chỉ đạo Đề án Phát triển cà phê bền vững để đánh giá kết quả thực hiện Đề án năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012. Ông Đinh Văn Khiết- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak, Trưởng Ban chỉ đạo đề án, chủ trì cuộc họp.

Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 được ban hành theo Quyết định số 41/UBND ngày 17-11-2008 với tổng vốn đầu tư 1.647 tỷ đồng (trong  đó, vốn của tỉnh 84,75 tỷ, vốn của trung ương 134,5 tỷ, nguồn vốn ODA và FDI 285,5 tỷ, vốn của doanh nghiệp và tư nhân trên 1.142 tỷ đồng). Đề án hướng đến các mục tiêu: duy trì diện tích cà phê ổn định  ở 150.000 ha, sản lượng bình quân đạt 400.000 tấn/ niên vụ, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt 700 triệu USD.  Phấn đấu  50% diện tích cà phê được trồng cây che bóng, 30% sản lượng cà phê được giao dịch qua Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột… Đến nay, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ thư ký giúp việc, từng bước tham mưu triển khai đầy đủ, kịp thời những nội dung quan trọng của đề án; tổ chức đào tạo khuyến công, tổ chức các nhóm nông dân sản xuất cà phê có chứng nhận,  tham gia xúc tiến thương mại. Đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho hơn 8.850 ha, tương ứng với sản lượng trên 26.000 tấn.

Quang cảnh cuộc họp

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung của đề án, trong năm 2012 Ban chỉ đạo  sẽ đẩy mạnh một số công tác trọng tâm như: xây dựng chính sách cụ thể cho các hoạt động của đề án, đặc biệt đối với chương trình tái canh; hỗ trợ thành lập nhóm nông dân, câu lạc bộ, hợp tác xã sản xuất cà phê bền vững; rà soát và hoàn chỉnh một số chỉ tiêu, nội dung của đề án cho phù hợp với thực tế, nhất là trong công tác tập huấn, đào tạo nâng cao nghệp vụ kinh doanh cà phê kỳ hạn cho các DN vừa và nhỏ; tập huấn kỹ năng quản lý, phát triển nhóm nông dân sản xuất cà phê bền vững; xây dựng chiến lược xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Quốc;  kiện toàn cơ cấu Ban chỉ đạo, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho từng thành viên…

Phát biểu tại cuộc họp, ông Đinh Văn Khiết yêu cầu các sở, ngành, địa phương căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đơn vị mình  nhằm chủ động triển khai các nội dung của đề án. Giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện  hiệu quả công tác quy hoạch và rà soát quy hoạch, trong đó chú trọng đến thực trạng đầu tư và lập kế hoạch cụ thể về quy trình sử dụng vốn, sản xuất, tái canh cây cà phê. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gồm hợp tác xã, tổ hợp tác, các liên minh, mạng lưới thu mua…

Đ. L


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.