Đổi mới cơ chế tài chính để giữ cán bộ y tế giỏi
Bộ Y tế đang đề xuất cơ chế tài chính nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập hoạt động và phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường, cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo nguồn tài chính để tăng thu nhập hợp pháp cho cán bộ y tế nhằm giữ người tài, người giỏi và phát triển nguồn nhân lực.
Một chương trình chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao cho bác sĩ tuyến cơ sở Ảnh:H.H |
Thực tế, bên cạnh những thành tựu, chính sách tiền lương và chế độ đãi ngội đối với cán bộ y tế còn chưa phù hợp dẫn đến tình trạng chuyển dịch cán bộ y tế (chủ yếu là cán bộ có chuyên môn khá, giỏi) từ miền núi, vùng khó khăn về đồng bằng, đô thị; từ khu vực công lập ra khu vực ngoài công lập.
Theo đề xuất của Bộ Y tế, đối với kinh phí chi hoạt động thường xuyên, thực hiện theo nguyên tắc khuyến khích các đơn vị có điều kiện thu viện phí, ở vùng kinh tế xã hội phát triển phải tăng thu để tự bảo đảm toàn bộ hoặc từng phần chi phí hoạt động thường xuyên, để dành ngân sách chi thường xuyên ưu tiên cho các đơn vị không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm, dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Bộ Y tế đã đề xuất những giải pháp để tăng mức thu nhập cho cán bộ y tế như khuyến khích các đơn vị có điều kiện tăng thu phí hoặc để dành ngân sách chi thường xuyên. Bên cạnh đó, những đề xuất đưa ra cũng nêu rõ mức quy định ngân sách Nhà nước bảo đảm tối thiểu cho từng nhóm đơn vị thuộc các vùng miền khác nhau . Riêng những đơn vị chăm sóc bệnh nhân tâm thần, phong, lao...sẽ được ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị.
Bộ Y tế cho biết, các nội dung đề xuất trên của Bộ cũng đã được đưa vào Dự thảo Nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Dự thảo này đến nay đã được hoàn tất việc xây dựng nội dung, theo quy trình đang lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.
Theo Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc