Multimedia Đọc Báo in

Đề xuất bổ sung chi phí nhà ở vào tiền lương

09:45, 21/01/2011
Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của người dân trong Dự thảo "Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn 2030" của Bộ Xây dựng dự kiến trình Chính phủ trước 14-2  là : điều chỉnh cơ cấu tiền lương theo hướng bổ sung chi phí nhà ở để người dân có đủ khả năng tự giải quyết chỗ ở của mình.

 Mặc dù nhà nước đã có chính sách  tăng nguồn cung, góp phần làm giảm giá nhà ở, tạo điều kiện cho những người  thu nhập trung bình có khả năng tạo lập chỗ ở, nhưng các chính sách được ban hành  chưa đồng bộ nên thời gian qua giá nhà ở luôn tăng cao, vượt quá khả năng về tài chính của một bộ phận lớn dân cư. Những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp không thể tạo lập được chỗ ở cho bản thân và gia đình.

 

Trước năm 1992, Nhà nước có chính sách phân phối nhà ở cho cán bộ công chức  (CBCC) và lực lượng vũ trang. Tiếp đó, thực hiện chính sách xóa bỏ bao cấp về nhà ở, Nhà nước ban hành chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê; đối tượng là CBCC khi mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước được miễn, giảm tiền mua nhà tương ứng với thời gian công tác. Kết quả thống kê cho thấy khoảng 30% đối tượng là CBCC đã được hưởng chính sách phân phối nhà ở hoặc được giao đất làm nhà ở.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Từ khi bãi bỏ chế độ phân phối nhà ở và thực hiện đưa tiền nhà ở vào tiền lương, Nhà nước hầu như không bố trí ngân sách để đầu tư phát triển nhà ở. Chỉ một số ít đối tượng được ở nhà công vụ hoặc được cơ quan, đơn vị cấp đất làm nhà; còn phần đông CBCC và người hưởng lương phải tự lo giải quyết nhà ở cho bản thân và gia đình. Hơn nữa, các quy định về nhà công vụ, về cấp đất làm nhà ở và hỗ trợ nhà ở đối với CBCC, viên chức đến nay chưa được thực hiện thống nhất (mỗi địa phương có cách làm khác nhau), chưa rõ ràng, minh bạch và công bằng.

Việc đưa tiền nhà ở vào tiền lương, đồng thời bãi bỏ chính sách phân phối nhà ở đã khắc phục được tình trạng bao cấp về nhà ở nhưng vẫn chưa thực sự bảo đảm công bằng vì những người đã được phân phối nhà ở vẫn tiếp tục được hưởng khoản tiền nhà tính trong tiền lương. Tuy nhiên, tiền nhà ở trong tiền lương chưa được tính đúng, tính đủ và còn quá thấp so với giá nhà ở trên thị trường. Nếu tính tỷ lệ tiền nhà là 7,5% mức lương tháng tối thiểu 730.000 đồng, số tiền nhà trong mức lương hiện chỉ là 54.750 đồng/tháng. Trên thực tế, với mức tiền này, để mua hoặc thuê một căn nhà là khó khả thi với nhiều người có thu nhập thấp.

 

Kết quả điều tra năm 2009 cho thấy, diện tích nhà ở bình quân đầu người của nước ta đạt 16,7 m2 sàn/người, trong đó diện tích bình quân tại khu vực đô thị là 19,2 m2 sàn/người, nông thôn là 15,7 m2 sàn/người. Với mục tiêu đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt mức 21,5 m2 sàn/người, trong đó nhà ở đô thị bình quân đạt 26 m2 sàn/người, nhà ở nông thôn bình quân đạt 18,8 m2 sàn/người, năm 2011 đến 2020 cả nước cần đầu tư xây dựng khoảng 600.000 căn hộ, tương đương  khoảng 30 triệu m2 sàn (mỗi năm khoảng 60.000 căn, tương đương 3 triệu m2 sàn). Tổng số vốn đầu tư của toàn bộ chương trình nhà ở khoảng 180.000 tỷ đồng (tính theo mặt bằng giá tại thời điểm quý 3/2010). Trong đó, nguồn vốn Nhà nước khoảng 36.000 tỷ đồng (chiếm 20%) dành để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước dành cho thuê; vốn huy động của các thành phần kinh tế khoảng 144.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội dành bán hoặc cho thuê, mua.

 
Nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển nhà ở, đạt được mục tiêu theo kế hoạch đề ra, Bộ xây dựng đã đề ra nhiều giải pháp về quy hoạch đô thị, quỹ đất, tài chính, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội để cho thuê.... Đáng chú ý là  giải pháp điều chỉnh cơ cấu tiền lương, thu nhập theo hướng bổ sung chi phí nhà ở để tạo điều kiện cho người dân, nhất là đối với cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách có đủ khả năng tự giải quyết chỗ ở của mình.
L.H (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc