Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề cho vùng Tây Nguyên
Ngày 4-3, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Tây Nguyên giai đoạn 2006-2010 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2011-2015. Các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; Bùi Hồng Lĩnh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội; Mai Văn Năm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh Dak Lak, Dak Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Phước, Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam đã về dự.
Quang cảnh Hội nghị
|
Trong 5 năm qua, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng Tây Nguyên đã có những chuyển biến rõ rệt. Quy mô trường lớp phát triển rộng khắp, với 1.124 trường MN; 1.503 trường TH, 1.023 trường THCS và 234 trường THPT, tăng từ 15-39% số trường so với năm 2005. Đến năm 2010, toàn vùng có 26 cơ sở đào tạo trình độ TCCN, 2 trường CĐ nghề và 3 trường ĐH. Quy mô tuyển sinh hệ TCCN tăng 2 lần so với năm 2006, riêng tỉnh Dak Lak tăng 3,2 lần. Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư theo hướng chuẩn. Chất lượng giáo dục được nâng lên, đặc biệt, tỷ lệ HS bỏ học giữa chừng giảm từ 1,58% năm học 2007-2008 xuống còn 1,04% năm học 2009-2010. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo tăng 7,3% hằng năm; quy mô học sinh phổ thông đi vào thế ổn định.
Tuy nhiên, một số chỉ số chính của giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Tây Nguyên vẫn thấp so với bình quân chung của cả nước: tỷ lệ huy động trẻ đi mẫu giáo đạt 71,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của Tây Nguyên chỉ mới đạt 23%; tỷ lệ đào tạo nghề trình độ TC, CĐ chỉ đạt 8,4%. Toàn vùng vẫn còn 103 xã chưa có trường MN, 43 xã chưa có trường THCS, thiếu 5.610 giáo viên các cấp…
Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT Dak Lak, trả lời phóng viên về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề của tỉnh trong thời gian tới |
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Tây Nguyên, với các mục tiêu cụ thể: Quy mô tuyển sinh đào tạo TCCN tăng bình quân 10%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt tối thiểu 35% vào năm 2015; hoàn thành quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, đến năm 2015 đạt tỷ lệ 150 SV/vạn dân, trong đó, sinh viên DTTS đạt 20%...
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả mà các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được trong công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Tuy nhiên, các địa phương cần đánh giá chính xác, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, từ đó xây dựng những giải pháp có tính chất đột phá, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào các dân tộc đối với công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Các trường CĐ, ĐH, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên không nên mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo, cần tập trung thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng để thu hút, đào tạo SV, HS tại chỗ. Các cấp học, ngành học cần đổi mới phương pháp giáo dục và đánh giá, chú trọng chuyển từ đào tạo tri thức sang đào tạo năng lực công dân, giúp HS có kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập…
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc