Hội nghị trực tuyến đánh giá, kiểm điểm thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
Dak Lak phấn đấu 100% cơ sở hoàn thành kế hoạch xử lý ô nhiểm triệt để vào năm 2012
Ngày 2-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường (MT) nghiêm trọng. Tỉnh Dak Lak, tham dự Hội nghị có các đồng chí Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị. |
Theo báo cáo, qua gần 8 năm thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên toàn quốc, trong 439 cơ sở gây ô nhiễm MT nghiêm trọng phải xử lý trong giai đoạn 1 (2003 - 2007), đến nay có 338 cơ sở hoàn thành các biện pháp xử lý, không còn gây ô nhiễm MT nghiêm trọng; 101 cơ sở đang triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm. Theo đó, tại 62 tỉnh, thành phố (riêng Lai Châu không có cơ sở nào gây ô nhiễm MT nghiêm trọng) thuộc Quyết định 64/2003/QĐ-TTg, có 15 địa phương hoàn thành xử lý toàn bộ cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; 20 địa phương hoàn thành ở mức trên 75%; 23 địa phương hoàn thành ở mức từ 50 đến 75%. Đặc biệt, còn 4 địa phương là Bến Tre, Sơn La, Hưng Yên và Điện Biên chưa xử lý được một nửa số cơ sở gây ô nhiễm. Với 132 cơ sở do bộ, ngành ở Trung ương quản lý, có 103 cơ sở cơ bản không còn gây ô nhiễm nghiêm trọng; 29 cơ sở đang triển khai xử lý. Giai đoạn 2 (2008 – 2012) các bộ, ngành đã tiến hành xử lý triệt để đối với 3.856 cơ sở gây ô nhiễm MT nghiêm trọng còn lại và các cơ sở khác mới phát sinh. Qua đó, phấn đấu đến năm 2020, không còn cơ sở gây ô nhiễm MT nghiêm trọng. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm MT nghiêm trọng phải thực hiện đồng bộ 4 nguyên tắc cơ bản: Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải bị xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Nhà nước tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ để cơ sở thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả nhằm xử lý triệt để ô nhiễm MT; thực hiện đúng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hiếu và lãnh đạo các sở, ngành tham dự Hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Dak Lak. |
Thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm MT nghiêm trọng tại địa phương, Dak Lak có 15 đơn vị nằm trong kế hoạch phải xử lý triệt để. Đến nay, đã có 2 đơn vị hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để đã được chứng nhận theo quy định là Nhà máy đường – Công ty Mía đường 333 và Xí nghiệp chế biến và dịch vụ cao su Cuôr Đăng – Công ty Cao su Dak Lak; 3 đơn vị đang vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý chất thải sau khi nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới một số hạng mục công trình và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị chứng nhận; 5 đơn vị đã di chuyển toàn bộ cơ sở hoặc bộ phận gây ô nhiễm đến địa điểm mới theo quy hoạch, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị chứng nhận; 3 đơn vị đã hợp đồng với đơn vị chức năng tiến hành nâng cấp, cải tạo, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, dự kiến đưa vào vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2011; 2 đơn vị chưa tiến hành nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu. Vấn đề khó khăn dẫn đến các đơn vị thực hiện không đúng tiến độ xử lý ô nhiễm MT theo yêu cầu của Quyết định 64/2003/QĐ-TTg chủ yếu là do kinh phí và đặc thù của ngành sản xuất chế biến nông sản ở Dak Lak. Đối với các đơn vị công ích như bệnh viện, thủ tục đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải và quá trình lập phương án để xử lý ô nhiễm MT tại địa điểm cũ phải trình duyệt qua nhiều công đoạn nên chiếm thời gian khá lâu gây nhiều khó khăn. Tỉnh Dak Lak phấn đấu 100% cơ sở hoàn thành kế hoạch xử lý ô nhiễm triệt để, đủ điều kiện đưa ra khỏi danh sách của Quyết định 64/2003/QĐ-TTg vào năm 2012.
Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực tìm kiếm và chủ động đa dạng hóa nguồn vốn cho công tác này. Thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự tài trợ của nước ngoài vào việc xử lý các sơ sở gây ô nhiễm. Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, tăng cường hỗ trợ chuyển giao công nghệ xử lý môi trường cho các cơ sở. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội về công tác môi trường.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc