Cần chia sẻ các nguồn gen đa dạng của Trái Đất.
11:50, 22/05/2011
Trong Thông điệp nhân Ngày Quốc tế về đa dạng sinh học (22/5), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các nước trên thế giới cùng chia sẻ các nguồn gen đa dạng của Trái Đất, bao gồm rừng và các nguồn tài nguyên vô giá khác của tự nhiên.
Theo đó, cần phê chuẩn sớm và thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận các nguồn gen, chia sẻ công bằng và bình đẳng lợi ích từ khai thác các nguồn gen này sẽ thúc đẩy bảo vệ rừng và sử dụng bền vững các nguồn gen, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển quốc gia bền vững. Ngày Quốc tế về đa dạng sinh học năm nay trùng với Ngày Quốc tế về Rừng, nên chủ đề của hai ngày này là cảnh báo nguy cơ mất rừng và suy thoái các vùng đất ướt nhằm nêu bật nhu cầu hành động quốc tế khẩn cấp để bảo vệ rừng, nâng cao nhận thức quốc tế về giá trị của rừng cũng như cái giá quá đắt mà nhân loại sẽ phải trả về kinh tế, xã hội và môi trường nếu mất rừng.
Rừng góp phần bảo tồn nguồn nước, bảo vệ đất, lưu trữ và bảo tồn nguồn gen khổng lồ về đa dạng sinh học... Ảnh minh họa (L.H) |
Những lợi ích rất lớn của rừng như giữ và bảo tồn nguồn nước, bảo vệ đất, lưu trữ và bảo tồn nguồn gen khổng lồ về đa dạng sinh học, đồng thời góp phần điều tiết khí hậu và khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ngăn chặn nạn phá rừng và làm suy thoái rừng cũng như các vùng đất ướt có thể góp phần giảm nguy cơ biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và suy thoái đất. Chủ tịch Hội đồng quản trị Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), bà Rosa Aguilar, khẳng định, bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học bền vững là nhân tố then chốt để thúc đẩy mô hình phát triển ngày càng bền vững hơn về nền kinh tế xanh.
Tiến trình này thách thức toàn bộ xã hội nên cần sự ủng hộ và nỗ lực của tất cả các tác nhân kinh tế và xã hội để có thể biến lợi ích của đa dạng sinh học thành phúc lợi xã hội cho các thế hệ đương đại và tương lai.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, diện tích rừng đang bị giảm nhanh với tốc độ báo động, trong đó rừng nguyên sinh hiện chỉ còn chiếm 36% diện tích rừng toàn cầu. Cho đến nay, mới chỉ có 20 nước ký Nghị định thư Nagoya trong khi văn kiện này cần 50 nước phê chuẩn để có hiệu lực quốc tế. Liên hợp quốc kêu gọi các nước tiếp tục ký và phê chuẩn nghị định thư này nhân kỳ họp tháng Chín của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 66. |
Theo
TTXVN
Ý kiến bạn đọc