Dak Lak bắt đầu gia tăng số trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng nhập viện
Theo số liệu thống kê của Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu tháng 6 đến nay, số trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM) vào điều trị tại khoa tăng đáng kể. Mới hơn 10 ngày đầu tháng, Khoa đã tiếp nhận 7 trường hợp trẻ mắc TCM, tăng gấp đôi so với 5 tháng đầu năm 2011 (6 trường hợp).
Tính từ đầu năm đến nay, Khoa tiếp nhận 13 trường hợp mắc bệnh TCM vào điều trị, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2010 (6 tháng đầu năm 2010, chỉ có 4 trường hợp trẻ bị TCM vào điều trị). Tuy phần lớn các bệnh nhi nhập viện mới ở trong tình trạng mắc TCM độ I và không xảy ra biến chứng, nhưng theo ghi nhận những ngày gần đây cho thấy số trẻ mắc bệnh đang gia tăng.
Trẻ mắc bệnh TCM điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, TCM là bệnh do vi rút đường ruột gây ra, bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh có dấu hiệu đặc trưng là sốt, đau họng, lòng bàn chân, lòng bàn tay, gối, mông nổi những nốt đỏ dạng phỏng nước, xuất hiện những vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm gây viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp khiến trẻ có thể tử vong. Cũng theo bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, đến thời điểm này, bệnh TCM vẫn chưa có thuốc đặc trị lẫn vắc xin phòng bệnh. Chính vì vậy, khi thấy trẻ có các dấu hiệu của bệnh TCM phải thực hiện cách ly trẻ (với những trẻ đang đi học tại nhà trẻ, trường mẫu giáo phải nghỉ học), vệ sinh môi trường xung quanh, vệ sinh thân thể cho trẻ và cho trẻ uống nhiều nước trái cây để tăng sức đề kháng. Trường hợp trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục hoặc li bì, run giật hoặc co giật, biếng ăn cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử trí kịp thời. Trong quá trình điều trị, ngoài các biện pháp chăm sóc, điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ, cha mẹ người thân cần luôn chú ý theo dõi phát hiện sớm các dấu hiệu tiến triển của bệnh để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh diễn biến nặng có thể gây tử vong hoặc nếu có chữa khỏi cũng để lại di chứng nặng nề.
Để phòng tránh bệnh TCM cho trẻ nhỏ và nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng, bác sĩ Tuấn khuyến cáo các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức phòng bệnh cho trẻ, thực hiện tốt vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ và vệ sinh môi trường sống xung quanh, đồng thời tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín uống sôi để ngăn ngừa mầm bệnh.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc