Multimedia Đọc Báo in

Dịch bệnh tay, chân, miệng tại Việt Nam đứng thứ 2 thế giới

14:45, 18/08/2011

Dịch bệnh tay, chân, miệng (TCM) đang bùng phát dữ dội với hàng nghìn ca mắc mỗi tuần khiến Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh TCM cao thứ hai thế giới (chỉ sau Trung Quốc). Đáng lo ngại hơn, hiện TCM vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng mạnh. Đến thời điểm này, cả nước đã có 81 người tử vong vì bệnh TCM và bệnh này cũng đã lan ra 52 địa phương với gần 33.000 ca mắc bệnh.

Tử vong phần lớn do nhập viện muộn

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn thừa nhận số ca mắc và tử vong do bệnh TCM đã cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ các năm trước. Một phần nguyên nhân do khống chế dịch chưa hiệu quả, công tác tuyên truyền còn nhiều thiếu sót. Mặc dù các thông điệp được phát ra rất rầm rộ nhưng lại chưa rõ ràng, chưa đến với cộng đồng và đi vào từng gia đình. Hiện Cục Quản lý môi trường y tế đã có đề xuất cung cấp xà phòng rửa tay cho người dân ở những điểm nóng của vùng dịch. Tuy nhiên, làm thế nào để hướng dẫn người dân có thói quen rửa tay trước khi chăm sóc trẻ, rửa tay thường xuyên cho trẻ… cũng không đơn giản. Tới đây, ngành y tế sẽ tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống nhằm nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM ngay tại hộ gia đình, nhà trẻ, mẫu giáo. Sẽ có các đội tư vấn trực tiếp để hướng dẫn người dân rửa tay bằng xà phòng. Trong khi không có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc- xin phòng bệnh thì rửa tay chính là “vắc-xin” để tiêu diệt mầm bệnh.

Trẻ bị TCM điều trị tại cơ sở y tế. Ảnh: TL

Còn ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, các trường hợp tử vong do bệnh TCM thời gian qua phần lớn do bệnh nhân được đưa đến bệnh viện muộn, bệnh diễn biến nặng trong khi chủ yếu là bệnh nhi rất nhỏ tuổi (dưới 3 tuổi). Từ khi có phác đồ điều trị bệnh TCM mới cùng với việc khẩn trương cập nhật phác đồ mới, số ca tử vong đã giảm nhanh. Theo báo cáo của các tỉnh phía Nam, thời điểm trước đó có những tuần ghi nhận tới 5 ca tử vong nhưng sau khi cập nhật phác đồ mới đã giảm còn 1 ca/tuần. Tuy nhiên, để việc điều trị hiệu quả hơn, đặc biệt tại tuyến dưới thì sẽ phải tiếp tục triển khai tập huấn, kết hợp các bác sĩ trong chương trình tăng cường y tế tuyến trên về tuyến dưới để tập huấn và hỗ trợ chuyên môn.

Sắp vào cao điểm

Theo bác sĩ Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, TCM là căn bệnh diễn ra quanh năm và đỉnh dịch xảy ra vào thời điểm tháng 5 - 6 và tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, nhưng chỉ trong 8 tháng đầu năm nay số ca mắc TCM đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010. Tuy chưa phát hiện biến chủng của vi rút gây bệnh nhưng bệnh TCM vẫn diễn biến phức tạp. Số ca tử vong trong thời gian qua được xác định phần lớn là do virút gây bệnh thuộc chủng EV 71, type C4 và C5 (loại chủng có độc tính cao).

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn cho rằng, ngành Y tế thời gian qua mới chỉ lo chống mà chưa lo phòng bệnh TCM. Không ít bệnh viện, cơ sở y tế mới chỉ lo điều trị số bệnh nhân mắc, cố gắng hạn chế số trường hợp tử vong mà thiếu quan tâm tới công tác phòng bệnh và truyền thông hiệu quả đến người dân. Về điều này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn chỉ rõ, nhiều địa phương chưa chủ động và thiếu quyết liệt trong phòng chống TCM. Thậm chí nhiều nơi khi được Bộ Y tế cấp phát hóa chất để phòng chống dịch thì chỉ phát Cloramin B, chất khử khuẩn môi trường cho người dân mà không hướng dẫn cách sử dụng một cách cụ thể, khiến việc phòng chống dịch vừa lãng phí vừa không hiệu quả.

Theo nhận định của Bộ Y tế, trong thời gian tới số người mắc tay - chân - miệng sẽ tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, đặc biệt đỉnh điểm của dịch bệnh này sẽ bắt đầu từ tháng 9 tới tháng 11. TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, để ngăn chặn và sớm khống chế được TCM, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các ngành, cơ quan liên quan tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cộng đồng về các biện pháp phòng bệnh.

Phun Cloramin B khử trùng phòng bệnh TCM tại các trường mầm non. Ảnh: TL

Cục trưởng Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, mặc dù hiện nay TCM đang dẫn đầu về số ca mắc bệnh và tử vong trong các bệnh truyền nhiễm ở nước ta nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Phác đồ điều trị mới ban hành là hiệu quả trong việc điều trị căn bệnh này. TS Bình khẳng định hiện nay TCM chưa có văc xin phòng chống và thuốc điều trị đặc hiệu, nên hóa chất Cloramin B vẫn là hiệu quả nhất trong việc phòng chống TCM. Do đó, Bộ Y tế sẽ đảm bảo hỗ trợ đủ cho các địa phương về hóa chất phòng chống TCM. Đồng thời, yêu cầu các công ty dược nhập thuốc và cung ứng đầy đủ thuốc điều trị TCM cho các địa phương.

TS Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Trưởng tiểu ban Tuyên truyền phòng chống dịch cho biết, công tác truyền thông về phòng chống TCM trong thời gian tới sẽ có những thay đổi, phù hợp với thực tế hơn. Theo đó, Ban tuyên truyền sẽ khẩn trương in các thông điệp, tờ rơi hướng dẫn phòng chống tay - chân - miệng để phát cho người dân thay bằng cách truyền thông chung chung. Tại các bản tin, tờ rơi sẽ có hướng dẫn cụ thể về cách phòng chống, triệu chứng bệnh để người dân có thể hiểu và nắm bắt cụ thể hơn về bệnh TCM.

Các biện pháp phòng ngừa

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do siêu vi trùng đường ruột gây ra. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi gây biến chứng nặng về thần kinh, tim mạch, hô hấp, thậm chí có thể tử vong. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Trẻ xuất hiện triệu chứng như: loét họng, những nốt hồng ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Theo thời gian, các nốt hồng ban này biến thành các bóng nước, sau đó vỡ ra và đóng mài. Một số trường hợp hồng ban không mọc ở lòng bàn tay, lòng bàn chân mà ở đầu gối, vùng mông và quanh hậu môn. Trong giai đoạn cấp, ngoài những dấu hiệu trên, đôi khi bệnh kèm theo triệu chứng như đau họng, hạch ở cổ, hạch dưới hàm, ho, sổ mũi, nôn ói, tiêu chảy. Ở một số ít trường hợp, trong giai đoạn diễn tiến, siêu vi gây bệnh xâm nhập hệ thần kinh trung ương, sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác như lơ mơ, li bì, mê sảng hay co giật. Trẻ có thể tử vong hoặc hồi phục sau một thời gian điều trị vẫn còn những rối loạn tâm thần kinh kéo dài.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM, thông thường, bệnh tay chân miệng kéo dài khoảng 8 ngày và có thể trở nặng trong khoảng ngày thứ 2 đến ngày thứ 5. Tuy nhiên, thực tế vẫn ghi nhận một số trường hợp ngay ngày đầu mắc bệnh đã gặp cơn sốc, một số khác lại ở tận ngày thứ sáu, thứ bảy. Mấu chốt để phòng tránh tử vong vẫn là cha mẹ phải theo sát trẻ, đặc biệt là trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhẹ đang điều trị ngoại trú. Trẻ mắc bệnh này thường có các dấu hiệu chủ yếu như sốt, loét miệng, nổi hồng ban, có bong bóng nước ở bàn tay, bàn chân. Nếu có thêm một trong các dấu hiệu sau đây thì rất có nguy cơ bệnh đang diễn biến xấu, trở nặng, cần đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu: sốt cao; thở bất thường; quấy khóc liên tục; khó ngủ hoặc ngủ li bì; giật mình, hốt hoảng, chới với; run giật tay chân, co giật; nôn ói nhiều, bỏ bú; yếu liệt tay chân; da nổi bông.

Dự báo, bệnh tiếp tục lây lan mạnh trong những ngày tới khi các trường đồng loạt khai giảng. Do vậy, để phòng ngừa bệnh TCM, các chuyên gia y tế khuyến cáo cần thực hiện tốt các việc như: giữ vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, lau rửa vật dụng cá nhân, rửa và phơi nắng đồ chơi; cho trẻ ăn thức ăn chín, uống sôi, ăn đủ bữa (3-5 bữa/ngày), đủ dinh dưỡng (bột, đạm, dầu, rau); nên cho trẻ ăn nhiều trái cây sạch sau khi ăn cháo, bột để tăng cường vitamin và yếu tố vi lượng; hông cho trẻ ngậm đồ chơi hay núm vú cao su; đồ chơi và muỗng, chén của trẻ phải rửa sạch mỗi ngày và không nên chơi chung, ăn chung với những trẻ có bệnh; rửa tay sạch sẽ trước ăn và sau khi đi vệ sinh; cách ly khi có người nhà hoặc trong lớp học có trẻ nghi ngờ bị bệnh.


 K.O (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc