Toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp Nhà nước sản xuất, kinh doanh cà phê áp dụng công nghệ chế biến ướt
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 doanh nghiệp Nhà nước sản xuất, kinh doanh cà phê áp dụng công nghệ chế biến ướt vào chế biến cà phê nhằm góp phần nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu. Đây cũng là quy trình chế biến cà phê hiện đại nhất của thế giới hiện nay.
Trước đây, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê chủ yếu sử dụng công nghệ chế biến nửa ướt, nửa khô, hoặc khô hoàn toàn nên chất lượng cà phê nhân kém, hoặc thất thoát nhiều. Từ năm 2004 trở lại đây, ngoài việc đầu tư thâm canh đồng bộ cho cây cà phê, thu hái quả chín, các doanh nghiệp còn chú trọng đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê sau thu hoạch. Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện nay, hệ thống chế biến ướt của các doanh nghiệp trên địa bàn có tổng công suất trên 400.000 tấn sản phẩm cà phê nhân/năm, đưa tỉnh ta trở thành địa phương chế biến cà phê theo quy trình chế biến cà phê ướt nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên. Công ty cà phê Thắng Lợi là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc đầu tư hàng chục tỷ đồng để đưa công nghệ chế biến ướt vào hoạt động, đồng thời, đầu tư đồng bộ hệ thống sân phơi, nhà kho hoàn chỉnh nên đã góp phần nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu. Trong nhiều năm liên tục, sản phẩm cà phê thóc (cà phê nhân) của Công ty luôn được khách hàng Mitsubishi (Nhật Bản) bao tiêu toàn bộ, với giá cao hơn thị trường từ 80 đến 100 USD/ tấn.
Ngoài các doanh nghiệp Nhà nước, các chủ trang trại, nhóm hộ gia đình sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh bước đầu cũng đã đầu tư trang bị hệ thống máy chế biến ướt cà phê, với công suất nhỏ từ 1 đến 5 tấn cà phê/ giờ, hoặc chuyển sang chế biến nửa ướt, nửa khô, hạn chế dần chế biến khô hoàn toàn, góp phần nâng cao chất lượng cà phê xuất.
Ý kiến bạn đọc