Cấp bách và quyết liệt trong việc bảo vệ rừng Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ
Sáng 22-10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ NN-PTNT phối hợp với tỉnh Dak Lak tổ chức Hội nghị Bảo vệ rừng Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Tham dự Hội Nghị có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Thứ trưởng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục lâm nghiệp Hứa Đức Nhị và phó Tổng Cục trưởng Hà Công Tuấn cùng đại diện lãnh đạo 13 tỉnh của khu vực.
Rừng bị đốn hạ và tận thu gỗ |
Theo báo cáo tại hội nghị, các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có diện tích rừng tự nhiên là 8,94 triệu ha, chiếm 27,1% diện tích rừng toàn quốc, trong đó, diện tích có rừng là 3,72 triệu ha, chiếm 27,8% diện tích rừng cả nước. Trong 5 năm qua (2006 - 2010), diện tích rừng các tỉnh Tây Nguyên - Đông Nam bộ liên tục bị suy giảm mạnh với tổng diện tích 158.000ha, mỗi năm bình quân giảm 31.600 ha. Trong 5 năm qua, khu vực này đã chuyển đổi mục đích sử dụng 95.497ha rừng, chiếm 60,1% diện tích rừng bị suy giảm. Trong đó, các tỉnh Tây Nguyên chuyển đổi mục đích sử dụng 79.194ha (bằng 45,8% của cả nước) và Đông Nam bộ chuyển đổi 16.303ha. Mục đích chuyển đổi rừng trồng cao su của khu vực là 74.500ha (Tây Nguyên chiếm 46,7%; Đông Nam bộ chiếm 32%); chuyển đổi mục đích sử dụng khác (thủy điện, thủy lợi, trồng nương rẫy, khu công nghiệp…) là 20.500ha. Tình trạng khai thác rừng trái phép ở khu vực này làm mất 9.700ha rừng (chiếm 6,1% diện tích rừng bị suy giảm) bình quân mỗi năm mất gần 2.000 ha.
Rừng bị phá để trồng hoa màu |
Tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng trong 9 tháng đầu năm 2011 có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm 2010. Cụ thể, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.710 vụ phá rừng trái pháp luật; diện tích rừng bị thiệt hại là 1.047 ha, chiếm 68,6% so với toàn quốc. Mục đích phá rừng chủ yếu là để lấy đất sản xuất, đặc biệt là để trồng sắn và một số cây công nghiệp; mua, bán sang nhượng trái pháp luật, đòi các dự án đền bù. 9 tháng đầu năm 2011, các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ đã xảy ra 19 vụ chống người thi hành công vụ nghiêm trọng, làm 12 cán bộ bảo vệ rừng bị thương, nhiều tài sản bị hủy hoại và gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Hầu hết các vụ chống người thi hành công vụ đều có tổ chức đông người với hành vi táo tợn, bất chấp pháp luật.
Tại Hội nghị, đại diện UBND các tỉnh đã phát biểu nhiều ý kiến, nêu lên những vấn đề bức bách cần tập trung giải quyết để ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật hiện nay như: đề xuất Bộ NN-PTNT cho kiểm kê lại rừng để có những số liệu chi tiết tổng số diện tích còn rừng, phân loại rừng… nhằm xây dựng phương án bảo vệ hiệu quả; Quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm; Bên cạnh đó, phải có những cơ chế chính sách để kiểm lâm sống được từ nghề của mình.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT trao đổi với PV báo chí bên lề hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chỉ rõ: Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là địa bàn xảy ra tình trạng phá rừng, chống người thi hành công vụ nhiều nhất trong cả nước. Do đó, các địa phương cần phải quyết liệt hơn nữa để kiềm chế tình trạng phá rừng. Phải làm rõ những nguyên nhân, đối tượng phá rừng để quản lý và xử lý có hiệu quả. Đấu tranh, xử lý nghiêm các kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương ưu tiên và coi trọng việc bảo vệ rừng; chủ động rà soát lại diện tích rừng hiện có, giao trách nhiệm cho các chủ rừng bảo vệ rừng và xử lý nghiêm các hành vi phá rừng. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ đề nghị Chính phủ ban hành lại quy định giấy phép lập xưởng cưa có điều kiện để quản lý việc chế biến, khai thác lâm sản. Đối với những xưởng cưa gần rừng, yêu cầu các địa phương phải kiên quyết di dời ra khỏi rừng.
Ý kiến bạn đọc