Chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cao su gặp khó khăn
07:50, 24/10/2011
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tính đến thời điểm này, diện tích cao su hiện có của các tỉnh khu vực Đông Nam bộ là 436.483 ha/390.000ha quy hoạch đến năm 2015 ( vượt 11,9%); các tỉnh khu vực Tây Nguyên là 156.876 ha/280.000ha, đạt 56% so với kế hoạch đến năm 2015.
Diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp chuyển đổi sang trồng cao su ở các tỉnh Tây Nguyên là 54.733 ha, bao gồm: diện tích rừng nghèo trên 41 nghìn ha, đất chưa có rừng 14.654ha. Tỉnh có diện tích rừng chuyển đổi lớn nhất là Kon Tum 22.928 ha (trong đó, diện tích rừng là 21.108ha). Các tỉnh Đông Nam Bộ là 30.423 ha. Bình Phước là địa phương có diện tích chuyển đổi sang trồng cao su lớn nhất với 29.079 ha (trong đó diện tích rừng tự nhiên nghèo là 22.291ha; rừng trồng 189 ha; đất trống chưa có rừng 6.600 ha).
Kế hoạch trồng mới 100.000 ha cao su trên địa bàn Tây Nguyên theo quyết quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 03-06-2009 của Thủ tướng Chính phủ đã được thực hiện và đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện còn gặp một số lúng túng, vướng mắc, đó là: các địa phương do không còn quỹ đất hoặc có đất thì đất xấu không phù hợp với trồng cây cao su; chưa có quy hoạch hoặc bổ sung quy hoạch sử dụng đất; mặt khác, cây cao su chưa được các địa phương xác định là cây đa mục đích nên việc triển khai các dự án trồng cao su chậm; việc tổ chức tận thu, tận dụng gỗ ở một số dự án vướng mắc về thủ tục, dẫn đến lãng phí tài nguyên.
L.V
Ý kiến bạn đọc