Hội nghị trực tuyến triển khai Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020
Sáng 14-12, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 với 63 tỉnh, thành dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân. Tại đầu cầu Dak Lak, Phó Giám đốc Sở Y tế Nay Nguyên, thay mặt cho lãnh đạo UBND tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ của tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở ngành hữu quan, lãnh đạo UBND và Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố đã tham dự.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Tổng Cục trưởng Tổng Cục DS-KHHGĐ Dương Quốc Trọng tóm tắt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Chiến lược). Với quan điểm coi Chiến lược là một nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội; đồng thời giải quyết đồng bộ các vấn đề dân số - sức khỏe sinh sản (DS-SKSS), tập trung nâng cao chất lượng dân số, cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phát huy lợi thế của cơ cấu “dân số vàng”, chủ động điều chỉnh tốc độ tăng DS và kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh…, Chiến lược này hướng đến 5 mục tiêu quan trọng: nâng cao chất lượng DS, cải thiện tình trạng SKSS, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu DS và phân bổ DS, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục DS-KHHGĐ Dương Quốc Trọng tóm tắt Chiến lược tại Hội nghị |
Theo đó, Chiến lược sẽ được triển khai thông qua 7 giải pháp chủ yếu, đó là: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền đối với công tác DS-SKSS; tăng cường phổ biến giáo dục chính sách, pháp luật về DS-SKSS, đặc biệt là chính sách, pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật, tập trung cho vùng khó khăn, đảm bảo cung cấp các gói dịch vụ DS-SKSS thiết yếu ở tất cả các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở; tích cực rà soát, nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về DS; huy động rộng rãi các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng tham gia công tác truyền thông, giáo dục, cung cấp dịch vụ DS-SKSS; tăng đầu tư ngân sách nhà nước, đẩy mạnh việc đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ cộng đồng, doanh nghiệp và tư nhân cho công tác DS; tăng cường đào tạo, tập huấn về quản lý chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác DS, chăm sóc SKSS trên cơ sở quy hoạch và phân tuyến kỹ thuật với chương trình, nội dung và tài liệu được chuẩn hóa.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại đầu cầu Dak Lak |
Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được chia thành 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1 (2011-2015) kiên trì thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, chủ động điều chỉnh mức sinh phù hợp với từng vùng, miền nhằm duy trì tổng tỷ suất sinh toàn quốc ở mức 1,9 con vào năm 2015. Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng DS thông qua việc triển khai các hoạt động, mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, thí điểm mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện giai đoạn 1, giai đoạn 2 (2016-2020) sẽ điều chỉnh chính sách phù hợp, triển khai toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ để thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược đề ra.
Cũng tại Hội nghị, Tổng cục DS-KHHGĐ đã phổ biến, hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược và Chương trình hành động truyền thông – giáo dục chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ. Trên cơ sở những nội dung và mục tiêu của Chiến lược này, đại diện các tỉnh, thành đã tham gia nhiều ý kiến thiết thực vào việc tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện ở cơ sở, vai trò của hoạt động tuyên truyền cũng như kiện toàn cơ cấu tổ chức đội ngũ cán bộ dân số.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh công tác DS-KHHGĐ có 3 nguy cơ phải tập trung khắc phục, đó là: chất lượng DS còn hạn chế thể hiện ở tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh, trẻ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, tử vong sơ sinh còn cao; mất cân bằng giới tính khi sinh; mức sinh thay thế ở các địa phương còn nhiều chênh lệch, địa phương nghèo vẫn còn sinh đẻ nhiều. Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền và ban ngành ở từng địa phương có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược DS và SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020; rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các chính sách về dân số, sức khỏe sinh sản cho phù hợp yêu cầu của từng giai đoạn phát triển, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc