Giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm:
Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch
Chiều 23-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Thường trực Diệp Kỉnh Tần.
Về phía tỉnh Dak Lak, tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần (bên trái) chủ trì Hội nghị |
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tính đến ngày 22-2, dịch cúm gia cần đã xảy ra ở 30 xã, phường của 23 huyện, quận thuộc 12 tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó 9 tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày gồm Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị, Hà Nam, Hải Dương, Thái Nguyên và Bắc Ninh. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 35.130 con. Chi cục Thú y (Bộ NN-PTNT) nhận định, năm nay dịch phát ra lẻ tẻ, rải rác, được địa phương phát hiện sớm, xử lý kịp thời nên chưa có dấu hiệu lan rộng. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết diễn biến bất thường làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong khi nhiều đàn gia cầm đã hết miễn dịch hoặc được nuôi mới chưa có vắc xin phù hợp để tiêm phòng chủng vi rút cúm đã biến đổi… nên dịch có thể tiếp tục xuất hiện rải rác tại nhiều địa phương khác.
Các đại biểu tại đầu cầu Dak Lak tham dự Hội nghị trực tuyến |
Tại Dak Lak, từ năm 2010 đến nay, các địa phương trong tỉnh đều xảy ra dịch cúm. Trong đó năm 2010, dịch tập trung ở huyện Cư Kuin, Krông Bông, Cư M’gar và Krông Pak với trên 6.500 gia cầm bị chết, tiêu hủy; năm 2011, dịch xảy ra tại huyện Krông Bông và Buôn Đôn, đã tiêu hủy 2.200 con gia cầm và trên 9.800 quả trứng. Trong 2 tháng đầu năm 2012, dịch xảy ra tại xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) với trên 1.600 con gia cầm bị tiêu hủy. Trước tình hình đó, tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giám sát dịch, tiêu độc khử trùng, triển khai công tác phòng, chống dịch đến các huyện, thị, thành phố .
Tại Hội nghị, lãnh đạo một số địa phương đã báo cáo tình hình phòng, chống dịch cúm gia cầm và nêu các kiến nghị, đề xuất.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ Trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần đề nghị các địa phương triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm. Đối với chính quyền các cấp, các ban, ngành địa phương cần quán triệt phương châm “Chủ động phát hiện sớm ổ dịch, xử lý dịch quyết liệt và bao vây, giám sát ổ dịch”; tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm, khi có dịch xảy ra phải lấy mẫu xét nghiệm để xác định chủng vi rút, tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực có dịch; đồng loạt triển khai “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường” trong toàn quốc; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn và qua biên giới.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc