Multimedia Đọc Báo in

Dự kiến khoảng 77 nghìn tỷ đồng xây dựng vùng tỉnh Dak Lak đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

06:56, 17/06/2012

Ngày 15-6, UBND tỉnh đã có buổi họp góp ý cho Đồ án “Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Dak Lak đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Đồ án “Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Dak Lak đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn lập dựa theo đặc điểm, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, thực trạng phát triển kinh tế- xã hội, dân cư của tỉnh thời gian qua, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 76- 77 nghìn tỷ đồng.

Quang cảnh cuộc họp

Mục tiêu của đồ án nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của tỉnh để phát triển tương xứng với vai  trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Nguyên và là “cực tăng trưởng mạnh” quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia với thế mạnh về sản phẩm cây công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Theo đó, tổ chức phát triển không gian vùng của Dak Lak sẽ theo mô hình “Đa cực phát triển gắn với các trục hành lang tăng trưởng kinh tế- đô thị”. Theo đồ án, phía nghiên cứu quy hoạch đưa ra một số định hướng về phân vùng chức năng như phân tỉnh Dak Lak thành 3 vùng không gian: vùng đô thị hóa, vùng nguyên liệu nông sản giá trị cao, vùng bảo tồn và phát huy các giá trị thiên nhiên. Và 2 cực tăng trưởng, trong đó, cực tăng trưởng chủ đạo là Tp. Buôn Ma Thuột và khu vực lân cận; cực tăng trưởng hỗ trợ gồm đô thị Buôn Hồ và khu vực lân cận, chuỗi đô thị Ea Kar. Về  định hướng phát triển đô thị: Tp. Buôn Ma Thuột sẽ giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là đô thị cấp khu vực và vùng; các thị trấn Phước An, Buôn Hồ, Ea Kar, Buôn Trấp giữ vai trò là hệ thống đô thị cấp vùng tỉnh; đô thị cấp tiểu vùng gồm Ea Drăng, Ea Sup, M’Drak và các hệ thống đô thị cấp huyện. Về quy hoạch cấp điện, sẽ giảm dần tiến tới xóa bỏ lưới điện 35KV, chỉ giữ lại các tuyến trục 35 KV và một số trạm 35/22 KV đấu nối với nhà máy thủy điện, bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển lưới điện truyền tải 220KV và 110KV. Về giao thông nội vùng, ưu tiên xây dựng các tỉnh lộ đóng vai trò tạo thành vành đai liên kết nội vùng và các tuyến nối với quốc lộ, cao tốc tạo liên kết ngoại vùng; xây dựng tuyến đường sắt Tuy hòa- Buôn Ma Thuột với chiều dài khoảng 160 km (đoạn qua tỉnh  Dak Lak dài 85km)…

Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến nên đặt ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn

Theo đánh giá chung, Đồ án trên được xây dựng sát với điều kiện thực tế của địa phương, mang tính khả thi, trong đó, nhiều lĩnh vực được khảo sát và quy hoạch khá chi tiết… Tại cuộc họp, các ý kiến góp ý cho đề án xoay quanh một số nội dung: nên đặt ra các mục tiêu, lộ trình cụ thể, đồng thời có số liệu so sánh, đối chiếu trong từng giai đoạn; các số liệu trong đồ án quy hoạch nên được lấy từ một nguồn duy nhất là Cục thống kê tỉnh; điều chỉnh lại số liệu về chiều dài quốc lộ 26-27 cho phù hợp; cần thiết phải có sự phân tích điều kiện thủy văn trong quá trình quy hoạch phát triển các vùng đô thị lân cận… Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Hiếu nhấn mạnh, việc xây dựng đồ án phải chú trọng đến tính bền vững, bảo tồn và khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương và các tỉnh lân cận, đồng thời tiếp tục góp ý để hoàn thiện đồ án và đề xuất các dự án mà tỉnh nên ưu tiên tập trung đầu tư phát triển.

 

Đ. L


Ý kiến bạn đọc