Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế làm việc với Tỉnh ủy
Sáng 27-8, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế đã làm việc với tỉnh để khảo sát, đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06 ngày 22-1-2002 của Ban Bí thư (khóa IX) về “củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở” và 4 năm thực hiện Chỉ thị số 24 ngày 4-7-2008 của Ban Bí thư khóa X) về “phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trọng Hải cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ngành hữu quan đã tham dự.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư, đến nay mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và từng bước hoàn thiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Hiện toàn tỉnh có 19 bệnh viện, trong đó có 5 bệnh viện tuyến tỉnh và 14 bệnh viện tuyến huyện. Đối với y tế cơ sở, hiện 100% trạm y tế xã, phường của tỉnh có bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 100% thôn, buôn, tổ dân phố có nhân viên y tế. Tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt trên 93% (172 xã, phường). Từ năm 2002 đến nay, các bệnh viện tuyến huyện và các trung tâm y tế đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trị giá trên 220 tỷ đồng; 100% số trạm y tế xã, phường được xây dựng kiên cố, trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cùng với đó, tỉnh cũng đã chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến thời điểm này, trong 5.097 cán bộ, y bác sĩ trên toàn tỉnh đã có gần 1700 người có trình độ đại học và sau đại học (chiếm trên 26%).
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Đối với việc thực hiện Chỉ thị 24 của Ban Bí thư, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp Hội Đông y trong tỉnh đã nhận thức đầy đủ hơn về vai trò nòng cốt của Hội trong việc phát triển nền đông y. Hội Đông y các cấp của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn. Trong 4 năm qua, các phòng chẩn trị của Hội Đông y các cấp đã khám chữa bệnh bằng đông y và đông-tây y kết hợp cho trên 1,2 triệu lượt người. Đồng thời, tổ chức sưu tầm hàng trăm loại dược liệu qúy, tuyên truyền, vận động nhân dân trồng và sử dụng thuốc nam để phòng chữa bệnh. Tuy nhiên, hoạt động của Hội Đông y các cấp cũng còn một số khó khăn: hệ thống mạng lưới các phòng khám chẩn trị đông y chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng đa dạng của nhân dân; trang thiết bị vẫn còn lạc hậu, thiếu thốn; công tác quản lý hoạt động khám chữa bệnh và hành nghề y, dược học cổ truyền ở một số nơi còn hạn chế; tình trạng mua bán và sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc vẫn còn xảy ra…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề xoay quanh việc củng cố mạng lưới cơ sở và phát triển nền đông y của tỉnh như: đổi mới phương thức hoạt động của Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân; khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ở tuyến xã như thế nào cho phù hợp; có nên ghép cộng tác viên y tế thôn, buôn với cộng tác viên dân số ?; vấn đề sở hữu trí tuệ đối với những bài thuốc hay, chuẩn hóa lương y như thế nào; việc lập bản đồ các cây con thuốc và bảo tồn các loại thuốc được thực hiện đến đâu… Nhận định về những vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trọng Hải cho rằng, Chỉ thị 06 là một chủ trương lớn của Đảng, do đó trong 10 năm qua, Tỉnh ủy đã quán triệt, triển khai cho các địa phương, ngành Y tế thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Nếu như trước khi có Chỉ thị 06, hệ thống y tế cơ sở chỉ có chưa đầy 10 bác sĩ, thì đến năm 2004 đã có 77% số trạm y tế trên địa bàn có bác sĩ và hiện nay con số này là trên 93%. Bên cạnh đó, trong những năm qua, tỉnh tập trung khoảng 20% tổng số chi thường xuyên (1.000 tỷ đồng) cho ngành Y tế và ngành Y tế là ngành có mức chi đứng thứ 2 của tỉnh (sau ngành Giáo dục). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trọng Hải cũng đồng tình với quan điểm nên gắn kết y tế cơ sở với đông y, bởi trên thực tế giữa 2 mảng này đều có mục tiêu chung là phục vụ và chăm sóc sức khỏe nhân dân nên khi gắn kết lại với nhau sẽ tạo được tổng lực hơn...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trọng Hải phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, tỉnh đã đề ra một số giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 06 và Chỉ thị 24, gồm: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt thực hiện các chỉ thị của Ban Bí thư và Chỉ thị 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở” và kế hoạch số 58 của Tỉnh ủy nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị của nền y dược cổ truyền Việt Nam; tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng, củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đầu tư và nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nguyên, hình thành một số bệnh viện chuyên khoa; tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư; kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế của địa phương; tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong khám chữa bệnh, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị hiện đại, phục vụ tốt việc chẩn đoán, chữa bệnh cho nhân dân; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để các cấp Hội Đông y hoạt động tốt hơn; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học về y học cổ truyền, sưu tầm, tập hợp những bài thuốc, cây thuốc và kinh nghiệm chữa bệnh có hiệu quả để áp dụng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên phát biểu kết luận tại buổi làm việc. |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đánh giá cao những kết quả tỉnh Dak Lak đạt được trong quá trình thực hiện Chỉ thị 06 và 24 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng. Đồng thời nhất trí với các giải pháp tỉnh đề ra nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và phát triển nền đông y trên địa bàn trong thời gian tới. Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cũng đề nghị tỉnh rà soát lại các chỉ tiêu còn nằm ở mức cao so với mức bình quân chung của cả nước như: tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, số giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân…, từ đó tìm biện pháp khắc phục. Ngành Y tế cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh xây dựng Đề án Bảo hiểm y tế toàn dân; nhanh chóng ban hành giá viện phí mới để áp dụng. Đối với vấn đề nguồn nhân lực, Ngành cần tạo điều kiện cho bác sĩ về công tác tại tuyến xã phát huy được năng lực, sở trường của mình thông qua việc đầu tư trang thiết bị, máy móc, tạo môi trường làm việc thuận lợi…
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc