Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) khảo sát công tác phòng, chống ma túy giai đoạn 2010-2012 tại Trường Đại học Tây Nguyên:
Chưa phát hiện trường hợp học sinh-sinh viên mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy
Sáng 30-10, Trưởng Ban Pháp (HĐND tỉnh) Phạm Hát làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo Trường Đại học Tây Nguyên nhằm đánh giá công tác phòng, chống tệ nạn ma túy trong học sinh-sinh viên (HSSV) giai đoạn 2010-2012.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Trường Đại học Tây Nguyên hiện có gần 20.000 HSSV, trong đó có 800 HSSV là người dân tộc thiểu số của 42 dân tộc anh em đến từ 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Số lượng HSSV ở nội trú ít (khoảng trên 1.000 người), còn lại là ở trọ bên ngoài, địa bàn rộng nên công tác quản lý HSSV và triển khai công tác phòng chống ma túy (PCMT) rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn.
Trong 3 năm (2010-2012), thực hiện Quyết định 156/QĐ-TTg về “Chương trình mục tiêu quốc gia PCMT đến năm 2020” và Quyết định 1001/QĐ-TTg về “Chiến lược quốc gia phòng chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục Luật PCMT và tuyên truyền về tác hại của ma túy tới toàn thể cán bộ viên chức, HSSV; đưa công tác PCMT vào nội dung học tập “Tuần sinh hoạt giáo dục công dân - HSSV” đầu năm học ở tất cả các lớp; tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên thường xuyên sinh hoạt tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời lồng ghép công tác PCMT; phối hợp với Công an TP. Buôn Ma Thuột ký kế hoạch liên tịch về quản lý HSSV ngoại trú; thành lập Ban chỉ đạo PCMT và Đội SV tình nguyện giữ gìn an ninh trật tự để chủ động nắm tình hình, diễn biến tư tưởng trong HSSV, đặc biệt là HSSV người dân tộc thiểu số, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm tại cơ sở... Đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện trường hợp HSSV nào mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy và các chất ma túy.
Bí thư Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên Phạm Trọng Lượng phát biểu ý kiến tại buổi khảo sát. |
Kết luận tại buổi khảo sát, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hát ghi nhận những kết quả đạt được của Trường Đại học Tây Nguyên trong công tác PCMT, tuy nhiên vấn nạn ma túy là vấn đề mang tính toàn cầu nên những tác động của nó rất phức tạp. Vì vậy, thời gian tới Trường Đại học Tây Nguyên cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PCMT và tác hại của ma túy, coi công tác PCMT là việc làm thường xuyên, liên tục; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo PCMT và tệ nạn xã hội của trường; phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác quản lý HSSV; lập hòm thư tố giác tội phạm để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy…
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hát phát biểu kết luận buổi khảo sát. |
Trong những ngày tiếp theo, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiếp tục khảo sát công tác phòng, chống tệ nạn ma túy tại Công an huyện Ea H’leo, Ea Súp, TP. Buôn Ma Thuột và Phòng Cảnh sát Điều tra TPMT (PC47) - Công an tỉnh.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc