Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2012 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2012.
Ảnh minh họa |
Theo đó, Chính phủ yêu cầu NHNN Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, phối hợp với chính sách tài khóa để giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận được vốn vay cho sản xuất kinh doanh nhưng không để lạm phát tăng trở lại. Tăng mức tín dụng cho khu vực nông nghiệp, thủy sản và các ngành nghề có khả năng tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm mức tăng tổng phương tiện thanh toán như chỉ tiêu đề ra. Trong năm 2013, khẩn trương xử lý dứt điểm các NH yếu kém, góp phần ổn định hệ thống NH, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu trong toàn hệ thống NH. Tăng cường dự trữ ngoại tệ; kiểm soát chặt chẽ tỷ giá phù hợp với tín hiệu thị trường; bảo đảm đủ nguồn vốn cho học sinh, sinh viên vay để học tập.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hợp lý, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ, tín dụng; chỉ đạo phấn đấu thu ngân sách, quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; giữ mức bội chi ngân sách theo dự toán đã được Quốc hội thông qua. Tiếp tục gia hạn thêm 3 tháng đối với số VAT phải nộp của tháng 6-2012 đã được gia hạn theo quy định tại Nghị quyết 13 của Chính phủ.
Ảnh minh họa |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, Chương trình mục tiêu Quốc gia, trái phiếu Chính phủ; thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh công tác xúc tiến đầu tư; tăng cường biện pháp huy động và giải ngân vốn ODA, FDI…
Các bộ, cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ trong quản lý thị trường, giá cả, tăng cường các điểm bán hàng bình ổn giá; quản lý, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, than, dịch vụ công ích một cách phù hợp; quản lý chặt chẽ các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc làm tăng chi phí đầu vào trong sản xuất, kinh doanh.
Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương chưa công bố điều chỉnh giá dịch vụ y tế cần có lộ trình thực hiện phù hợp theo hướng lùi thời hạn áp dụng, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giải thích chính sách mới về dịch vụ y tế để tạo sự đồng thuận của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường công tác thông tin, dự báo thị trường; sớm phát hiện và có biện pháp ứng phó phù hợp với các rào cản kỹ thuật của các nước; kiểm tra, kiểm soát hàng nhập khẩu, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; bảo đảm cân đối đủ hàng cho nhu cầu sản xuất và đời sống; ngăn chặn tình trạng đầu cơ găm hàng, thao túng giá…
Ảnh minh họa |
Các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tiếp tục phát huy những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển; rà soát, giảm thủ tục hành chính để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ tiêu thụ hàng tồn kho cho các DN; tập trung triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; xây dựng phương thức hỗ trợ thu mua nông, thủy sản, bảo đảm lợi ích cho người sản xuất; kịp thời giúp đỡ người dân ổn định sản xuất và đời sống sau thiên tai, dịch bệnh…
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc