Multimedia Đọc Báo in

Vua săn voi Ama Kông qua đời ở tuổi 103

10:59, 05/11/2012

Rạng sáng 3-11, Ama Kông – người được mệnh danh là vua voi, huyền thoại của núi rừng Tây Nguyên - đã từ trần tại nhà riêng ở buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 103 tuổi.

Trước đó mấy ngày, Ama Kông được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị do bị thủng dạ dày gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng ổ bụng. Mặc dù các y, bác sỹ, gia đình tận tình chăm sóc, chạy chữa nhưng do tuổi cao sức yếu, ông đã không qua khỏi. 
Vua voi Ama Kông tại lễ mừng thọ 100 tuổi vào năm 2009 (ảnh chụp lại từ gia đình)
Vua voi Ama Kông tại lễ mừng thọ 100 tuổi vào năm 2009 (ảnh chụp lại từ gia đình)
Ama Kông tên thật là Y Prông Êban. Theo gia đình cho biết, ông sinh năm 1909 (còn theo chứng minh thư, ông sinh năm 1917). Thủa nhỏ, Ama Kông được vua săn voi Khun Ju Nốp nhận làm con nuôi; 17 tuổi ông đã tham gia vào các đoàn săn voi ở Bản Đôn và nổi tiếng là người gan dạ, sớm tỏ rõ là một thợ săn voi tài năng, trong chuyến đi săn đầu tiên ông đã bắt được 5 con voi rừng. Trong suốt cuộc đời mình, Ama Kông đã săn bắt, thuần dưỡng được 298 con voi rừng, trong đó ông từng bắt được voi rừng một ngà và voi trắng (đây là những con voi hung dữ, tinh khôn và vô cùng quý hiếm); ông từng tặng voi cho nhà vua Lào, Thái Lan và từng cùng với vua Bảo Đại có những chuyến săn voi trong rừng sâu. Vào năm 1954, Ama Kông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen thưởng vì có công điều động voi vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ kháng chiến. 
Vua voi Ama Kông biểu diễn thổi tù tại nhà riêng giới thiệu với du khách lúc ông còn sống
Vua voi Ama Kông khi sinh thời tại nhà riêng
 
Ngoài nổi tiếng về tài săn voi, Ama Kông còn được biết đến qua bài thuốc cùng tên – thuốc Ama Kông - do ông sáng chế có tác dụng “tráng dương bổ thận” nổi tiếng khắp Bản Đôn. Bài thuốc sau đó được truyền cho người con trai thứ là Khăm Phết Lào thừa kế. Ama Kông có chính thức 4 người vợ và có đến 21 người con và hàng trăm người cháu hiện đang sinh sống khắp các huyện của tỉnh Dak Lak.
 
Để tưởng nhớ vua voi Ama Kông, con cháu 2 dòng họ Ê-ban và Knul sẽ tổ chức lễ tang cho ông theo đúng phong tục đồng bào dân tộc, và trong 4 ngày diễn ra tang lễ (từ 3 đến 6-11). Trong những này này, gia đình không tổ chức đón tiếp khách du lịch.
L.V
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.