Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị trực tuyến tổng kết, nhân rộng và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện

18:12, 04/12/2012

Sáng 4-12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết, nhân rộng và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Tại điểm cầu Dak Lak, tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; lãnh đạo UBND TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện Krông Buk, Krông Pak, Cư Kuin, Ea súp.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ cơ quan hành chính, giảm được tình trạng cá nhân, tổ chức phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều cơ quan, nhiều cấp hành chính để giải quyết công việc. Trong số 700 đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước, hiện đã có 686 đơn vị triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đạt 98%. Riêng cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại có 203 đơn vị hành chính cấp huyện tại 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang triển khai, áp dụng với các lĩnh vực và thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới cá nhân và tổ chức như: đất đai, đăng ký kinh doanh, hộ tịch, lao động - thương binh và xã hội, xây dựng, chứng thực, thuế, hải quan, giải tỏa, bồi thường và tái định cư… Các địa phương đã chú trọng đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin và lực chọn, bố trí công chức có năng lực, trách nhiệm làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Trung bình mỗi năm bộ phận này  thực hiện từ 5.000 đến 50.000 giao dịch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện còn một số hạn chế: còn 21 tỉnh chưa triển khai; thiếu thống nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm điện tử…; có địa phương đã tách một số lĩnh vực công việc, thủ tục hành chính về các phòng chuyên môn nên số lượng giao dịch không nhiều và không đúng với chức năng của bộ phận một cửa, một cửa liên thông cấp huyện; công chức làm việc tại bộ phận một cửa vẫn còn kiêm nhiệm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động...

2
Các đại biểu tại điểm cầu Dak Lak tham dự Hội nghị trực tuyến

Tại Dak Lak, đến nay đã có 24 cơ quan cấp tỉnh, 15/15 huyện, thị xã, thành phố và 184/184 xã, phường, thị trấn thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; trong đó Sở Thông tin - Truyền thông và các huyện: Cư Kuin, Krông Buk, Krông Pak, Ea Súp, thị xã Buôn Hồ đã áp dụng cơ chế một cửa liên thông hiện đại. Các đơn vị này tập trung đầu tư cơ sở vật chất, bố trí cán bộ, trang bị các phương tiện, ứng dụng phần mềm trong việc tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong giải quyết dịch vụ hành chính công, từng bước nâng cao chất lượng xử lý, giải quyết công việc...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu  ý những mục tiêu cụ thể  cần tập trung thực hiện để nhân rộng và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện giai đoạn 2013-2015. Theo đó, các địa phương cần bố trí kinh phí nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của bộ phận một cửa, một cửa liên thông, phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 650 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại; chú trọng xây dựng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND cấp huyện theo một mô hình chuẩn; xây dựng và triển khai áp dụng thống nhất phần mềm điện tử dùng chung tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp huyện; xác định những thủ tục hành chính thực hiện tại một cửa liên thông. Phó Thủ tướng yêu cầu UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai quyết liệt việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại, trong đó tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực...

Nguyễn Xuân














 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.