Multimedia Đọc Báo in

Cần có chính sách bảo trợ đối với người trồng rừng về lâu dài

09:08, 31/01/2013

Sáng 30-1, tại Sở NN&PTNT, Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh đã tổ chức Hội thảo đánh giá chương trình giao đất, giao rừng sau 10 năm (2000-2011) thực hiện trên địa bản tỉnh Dak Lak.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Chương trình giao đất giao rừng (GĐGR) là chủ trương đúng đắn của nhà nước, góp phần mang lại lợi ích kinh tế từ kinh doanh lâm sản đối với người trồng rừng trên cả nước. Ở Dak Lak, trong giai đoạn đầu rừng giao cho các cộng đồng, nhóm hộ được người dân bảo vệ tương đối tốt. Sau một thời gian triển khai chương trình, do không còn được sự hỗ trợ của các dự án và sự thiếu quan tâm của chính quyền địa phương một cách thỏa đáng nên rừng vẫn bị xâm phạm. Tình trạng lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy vẫn tiếp tục xảy ra; trữ lượng rừng ở hầu hết các cộng đồng, nhóm hộ bị suy giảm; hiện tượng người dân muốn trả lại diện tích rừng đã nhận trở nên phổ biến.

Đại diện Hiệp hội khoa học nông lâm kinh tế trình bày tham luận tại hội nghị
Đại diện Hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp trình bày báo cáo tổng kết tại hội nghị

Thực tế thời gian qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nhận rừng mới chỉ dừng lại ở việc giao hồ sơ, cho thuê đất lâm nghiệp nhưng chưa gắn liền với giao rừng, cho thuê rừng; chỉ 35% người nhận rừng được cấp sổ đỏ; số hồ sơ giao rừng vẫn chưa đầy đủ; sổ đỏ đã được cấp nhưng việc hướng dẫn tuyên truyền chưa thực hiện tốt nên người nhận rừng vẫn chưa nắm hết các nghĩa vụ và quyền lợi của họ được quy định trong sổ đỏ, từ đó chưa thể sử dụng sổ đỏ vào việc hỗ trợ quản lý, bảo vệ và hưởng lợi từ rừng. Ngoài ra, nhiều lợi ích chính đáng người dân có thể nhận được từ chương trình GĐGR vẫn bị mất đi, nguyên nhân do người nhận rừng chưa có đủ nhận thức về việc tự thực hiện khai thác lâm sản, hưởng lợi từ rừng và chưa quen với nền kinh tế thị trường (đó là các thủ tục mua bán, quản lý tài chính đầu tư, kinh doanh theo cơ chế thị trường..); các chủ rừng hiện nay không thực hiện được quyền xử phạt các đối tượng vi phạm vào khu vực rừng mà họ quản lý (kể cả những buôn, nhóm đã được nhận sổ đỏ và xây dựng quy ước) do thiếu cơ chế xử phạt hợp lý, thiếu sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Mất đi lợi ích chính đáng, người giữ rừng không còn chú trọng đến hoạt động tuần tra, chấm công, ý thức bảo vệ rừng bị buông lỏng, cộng đồng không tiến hành trồng rừng để bổ sung vào diện tích rừng đã bị mất…

Đại diện Hạt kiểm lâm huyện Krông Ana: về lâu dài, cần nghiên cứu có chính sách bảo trợ lâu dài để người trồng rừng yên tâm gắn bó lâu dài với rừng
Đại diện Hạt kiểm lâm huyện Krông Ana: cần có chính sách bảo trợ phù hợp để người trồng rừng yên tâm gắn bó lâu dài với rừng

Để việc QLBVR và hưởng lợi từ trồng rừng của người dân trong tương lai được đảm bảo, nhiều đại biểu cho rằng: các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu xây dựng các mô hình liên kết trồng rừng giữa người dân với doanh nghiệp; người trồng rừng cần được hỗ trợ để phát triển kinh tế hộ gia đình, phục vụ nhu cầu sống hàng ngày; phải thường xuyên tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền, phổ biến những chính sách, văn bản pháp luật đã có và cập nhật những thông tin mới về quản lý, bảo vệ, phát triển và kinh doanh rừng; phải xác định chủ trương GĐGR là lâu dài, không phải giao xong rồi bỏ mặc cho dân muốn làm gì thì làm, mà cần có kế hoạch hỗ trợ để người dân thấy lợi ích rõ ràng để từ đó gắn bó lâu dài với rừng.


Lê Văn


 


Ý kiến bạn đọc