Multimedia Đọc Báo in

Cần đẩy mạnh áp dụng các giải pháp kỹ thuất tưới tiết kiệm bằng công nghệ hiện đại

20:13, 15/03/2013
Ngày 14-3, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ NN-PTNT phối hợp với tỉnh Dak Lak tổ chức Hội nghị Bàn biện pháp chống hạn, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
Theo báo cáo Bộ NN-PTNT, từ tháng 8-2012 đến nay, do khí hậu ELSO hoạt động mạnh đã tác động xấu đến thời tiết, nguồn nước khu vực các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên gây thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn đối với nhiều địa phương gây ảnh hưởng rất lớn đến vụ sản xuất Đông Xuân 2012-2013, đầu vụ Hè Thu 2013 và nước sinh hoạt của nhân dân. Trong đó, các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Dak Lak, Dak Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Tính đến đầu tháng 3-2013, khu vực Nam Trung Bộ không có mưa, dòng chảy suy giảm, độ mặn lên cao gây nên tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn cuối vụ Đông Xuân và Hè Thu khiến trên 17 nghìn ha cây trồng các loại bị thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn (lúa trên 15 nghìn ha, cà phê 300 ha, cây trồng khác trên 1 nghìn ha). Tại khu vực Tây Nguyên, hầu hết các hồ đập thủy lợi, hồ thủy điện vừa và lớn đều có dung tích thấp hơn nhiều so với thiết kế, nhiều hồ vừa và nhỏ đã cạn kiệt, hoặc xuống gần mực nước chết không đủ tưới cho suốt vụ. Toàn vùng hiện có trên 50 nghìn ha cây trồng các loại bị thiếu nước và hạn hán (lúa trên 14 nghìn ha, cà phê trên 34 nghìn ha và cây trồng khác trên 2 nghìn ha), trong đó hạn nặng, mất trắng 4 nghìn ha. Trong tháng 3, 4 tới đây, nguồn nước tưới cho cà phê sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Dak Lak, khô hạn đã khiến trên 25 nghìn ha cây trồng các loại thiếu nước tưới, thiệt hại ước tính trên 300 tỷ đồng
Giám đốc Sở NN-PTNT Dak Lak Trang Quang Thành cho biết, khô hạn đã khiến trên 25 nghìn ha cây trồng các loại  của tỉnh thiếu nước tưới hoặc mất trắng, thiệt hại ước tính trên 300 tỷ đồng
Tình trạng khô hạn diễn ra ngày một bất thường, gây thiệt hại lớn như vậy, nguyên nhân theo Bộ NN-PTNT, do nhiều địa phương sản xuất chưa theo kế hoạch và nguồn nước hiện có. Như khu vực Tây Nguyên, một số nơi cây cà phê được trồng ở những khu vực địa hình quá dốc, không có nguồn nước hoặc vượt quá khả năng nguồn nước tưới. Tình trạng khai thác rừng lấy đất sản xuất nhiều nơi diễn ra ồ ạt đã làm giảm độ che phủ, dẫn đến nguồn sinh thủy bị cạn kiệt  ngay khi vừa kết thúc mùa mưa. Mặt khác, dù nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất, đời sống, tuy nhiên do tốc độ phát triển kinh tế xã hội tăng nhanh nên phát triển thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu dùng nước; các công trình thủy lợi hiện tại vẫn thiếu nên việc điều tiết nước giữa mùa mưa và mùa khô còn hạn chế; chưa đảm bảo tần suất cung cấp nước  phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, trong khi nhu cầu nước cho công nghiệp, đô thị và nước cho sinh hoạt nông thôn đang ngày một tăng. Công nghệ và kinh nghiệm vận hành công trình thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu, việc quản lý sử dụng nước mặt ruộng còn lãng phí (tập quán canh tác của người dân chủ yếu tưới ngập), phương pháp tưới cho cà phê chậm cải tiến, tiêu hao nước lớn, tổn thất nước qua các kênh tưới chưa kiểm soát được. 
Thiếu nước tưới, các kênh thủy lợi nội đồng bỏ không, hàng nghìn ha lúa nước của tỉnh Dak Lak bị mất trắng
Thiếu nước tưới, các kênh thủy lợi nội đồng bỏ không, hàng nghìn ha lúa nước của tỉnh Dak Lak bị mất trắng
Về giải pháp chống han, theo Bộ NN-PTNT, trước mắt các địa phương phải tập trung chỉ đạo, sản xuất vụ Đông Xuân và hè thu theo nguồn nước hiện có. Những khu vực thiếu nguồn nước kiên quyết chỉ đạo phải chuyển sang sản xuất cạn; không để nông dân gieo trồng ngoài kế hoạch. Các công ty khai thác thủy lợi cần có phương án phân phối nước hợp lý, ưu tiên cấp nước sinh hoạt, chuyên chở, cung cấp nước cho các vùng khó khăn (Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Tây Nguyên). Cần tổ chức nạo vét kênh rạch, ao hồ, chặn các sông suối nội địa để ngăn mặn, giữ ngọt, tăng cường nguồn nước bơm, tát. Huy động lắp thêm hệ thống bơm dã chiến, công cụ bơm tát hộ gia đình, khơi sâu giếng đào, khoan thêm giếng nước; tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, đặc biệt là việc khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm. 
Sông suối, hồ đập thủy lợi khô cạn, nguồn nước ngầm xuống thấp khiến nông dân phải vất vả đào giếng tìm nước tưới cho cà phê
Sông suối, hồ đập thủy lợi khô cạn, nguồn nước ngầm xuống thấp khiến nông dân phải vất vả đào giếng tìm nước tưới cho cà phê
Về lâu dài, cần phải ưu tiên vốn để đầu tư, nâng cấp các hệ thống thủy lợi phục vụ đa mục tiêu (cấp nước tưới, sinh hoạt, thủy sản, công nghiệp…); đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa các hồ, đập, nhất là hồ chứa phục vụ tưới cho cây công nghiệp ở Tây Nguyên. Cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển áp dụng và chuyển giao kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cho cây trồng (lúa, cây trồng cạn)…
L.V 
 

Ý kiến bạn đọc