Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị về bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên: Tình hình phá rừng, tranh chấp đất rừng ở Tây Nguyên vẫn diễn ra hết sức phức tạp

16:37, 14/03/2013
Ngày 14-3, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ NN-PTNT phối hợp với tỉnh Dak Lak tổ chức Hội nghị về Bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT: tổng diện tích rừng của các tỉnh Tây Nguyên  năm 2011 là 2,8 triệu ha, độ che phủ 51,3%; trong đó rừng có trữ lượng là 1,7 triệu ha, độ che phủ chỉ đạt 32,4% còn lại là rừng trồng chưa có trữ lượng, rừng tự nhiên phục hồi. Trong những năm 2005-2012, diện tích rừng bị suy giảm diễn ra ở mức độ cao, bình quân giảm trên 25 nghìn ha/năm. Trong đó: chuyển mục đích sử sụng rừng sang các mục đích khác chiếm 78% (mục đích sử dụng sau chuyển đổi chủ yếu để trồng cao su chiếm 46,7%; xây dựng thủy điện, thủy lợi, làm nương rẫy, khu công nghiệp 31,3%). Khai thác rừng trồng theo kế hoạch 4%. Rừng bị khai thác, chặt phá trái pháp luật chiếm 6% (bình quân mỗi năm bị mất 1.478 ha), cháy rừng chiếm 1%; nguyên nhân khác chiếm 11%. Chất lượng rừng suy giảm rõ rệt, rừng giàu chỉ còn 16%, còn lại là rừng nghèo và rừng phục hồi mang giá trị kinh tế, môi trường và đa dạng sinh học thấp. 
Quyền Giám đốc VQY Yok Đôn Trần Văn Thành đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Quyền Giám đốc VQY Yok Đôn Trần Văn Thành đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Trong khi đó, kết quả phát triển rừng đạt rất thấp so với chỉ tiêu, kế hoạch do gặp khó khăn về giải quyết đất đai và vốn đầu tư. Từ năm 1998 – 2011 chỉ trồng được trên 217 nghìn ha, bình quân mỗi năm trồng được 14 nghìn ha. Riêng năm 2012, các tỉnh Tây Nguyên chỉ trồng được 8.367 ha rừng (phòng hộ 346 ha và 8.021 ha rừng sản xuất) đạt 45,6% kế hoạch; khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên chỉ có tỉnh Dak Nông thực hiện 82 ha, bằng 0,7% kế hoạch; chăm sóc trên 15 nghìn ha, đạt 60,2% kế hoạch; trồng 901 nghìn cây phân tán, đạt 45% kế hoạch. Chất lượng rừng trồng và rừng tự nhiên phục hồi thấp, công tác bảo vệ, chăm sóc rừng không được quan tâm đúng mức, nên nhìn chung tỷ lệ thành rừng thấp; diện tích tạo rừng mới không bù được diện tích rừng bị suy giảm, vì lẽ đó mà mục tiêu khôi phục và phát triển rừng đã không đạt được.
 
Cùng với đó, tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Chỉ riêng từ năm 2008-2012, phát hiện gần 9 nghìn vụ phá rừng trái pháp luật. Trọng điểm các vụ phá rừng tập trung tại các tỉnh Dak Nông ( ở các huyện Tuy Đức, Dak Song, Dak Ngo), Lâm Đồng (huyện Đạ Huoai), Dak Lak (các huyện Krông Năng, Ea H’leo, Ea Súp), Gia Lai (các huyện Mang Yang, K’bang) Kon Tum (huyện Kon Plông, rừng đặc dụng Dak Uy). Tình trạng khai thác gỗ, lâm sản có giá trị kinh tế cao tập trung tại những khu vực còn nhiều rừng tự nhiên, các khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Cư Yang Sin. 
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 
Về tình hình chuyển đổi rừng và đất lâm nghiêp sang trồng cây cao su, nhìn chung các tỉnh đều thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại: chủ dự án được giao đất lâm nghiệp trồng cao su chưa thực hiện tốt công tác đền bù, gây nên tình trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, một số dự án đã vi phạm quy định về quản lý đất đai phải xử lý thu hồi hoặc đình chỉ thực hiện, tạo dư luận không tốt trong cộng đồng; không làm tốt công tác quản lý để xảy ra tình trạng lợi dụng xâm lấn đất rừng, khai thác gỗ trái pháp luật…
 
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp để bảo vệ và phục hồi diện tích rừng hiện có; nâng độ che phủ rừng (bao gồm cả cây cao su trên đất lâm nghiệp) lên 55% vào năm 2020; tăng năng suất, chất lượng và giá trị tổng hợp của rừng; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân có cuộc sống gắn với nghề rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Giai đoạn 2013-2015, phấn đấu giảm căn bản tình trạng vi phạm phát luật về bảo vệ và phát triển rừng; phát huy có hiệu quả chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, tính đa đạng sinh học của rừng, góp phần phát triển bền vững. 
Tây Nguyên đang là điểm nóng về tình trạng phá rừng. Ảnh trên, một khu rừng tại Dak Lak bị lâm tặc đốn hạ
Nhiều năm nay, Tây Nguyên đang là điểm nóng về tình trạng phá rừng. Ảnh trên, một khu rừng tại Dak Lak bị người dân đốn hạ để lấy đất sản xuất
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ ngành liên quan, các tỉnh Tây Nguyên cần tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng; tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng, tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất rừng; các tỉnh cần tập trung xử lý dứt điểm, di dời, tháo dỡ ngay các điểm chế biến gỗ đặt trong rừng, gần rừng; cần rà soát lại diện tích rừng đã mất, có phương án trồng lại diện tích này gắn với phát triển rừng bền vững; xem xét sắp xếp, có phương án tái cơ cấu lại các công ty lâm nghiệp hiện nay hoạt động không hiệu quả…
L.V
 

Ý kiến bạn đọc