Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp
Bộ NN-PTNT vừa ban hành Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 8-7- 2013 phê duyệt Đề án tái cấu trúc ngành lâm nghiệp với mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiên sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo đó, đinh hướng về cơ cấu các loại rừng như sau: diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2020 khoảng 16,2 triệu – 16,5 triệu ha, trong đó, rừng sản xuất 8,132 triệu ha, rừng phòng hộ 5,842 triệu ha, rừng đặc dụng 2,271 triệu ha. Về nâng cao giá trị gia tăng của ngành, phát triển nâng cao chất lượng rừng, trong đó, nâng cao trữ lượng gỗ rừng tự nhiên là rừng sản xuất lên 25% so với hiện nay, đạt tăng trưởng bình quân 4-5 m3 /ha, nâng tỷ lệ gỗ thương phẩm bằng 75% trữ lượng gỗ cây đứng, đến năm 2015, khoảng 50 nghìn ha đủ điều kiện đưa vào khai thác, năm 2020 là 117 nghìn ha và năm 2030 là 215 nghìn ha.
Chăm sóc rừng giao khoán tại huyện Krông Bông |
Đối với rừng trồng, nâng cao năng suất rừng đạt bình quân 15 m3/ha/năm, đến năm 2020, diện tích rừng trồng đạt 3,84 triệu ha, mỗi năm khai thác và trồng lại 0,25 triệu ha với trữ lượng bình quân 150m3/ha đối với chu kỳ gỗ lớn (12 năm), 70m3/ha đối với chu kỳ gỗ nhỏ, gỗ thương phẩm bằng 80% trữ lượng, sử dụng giống mới trong trồng rừng đạt tỷ lệ 60 -70% vào năm 2020. Công nghiệp chế biến gỗ được định hướng phát triển trở thành một ngành sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu nội địa, tăng kim ngạch xuất khẩu và là đông lưc để phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Tổng nhu cầu nguồn vốn khoảng 56 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ODA cho phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2013-2020 bình quân mỗi năm khoảng 700-800 tỷ đồng, còn lại để trồng mới gần 3 triệu ha rừng cần khoảng 40 nghìn tỷ đồng (chiếm 71% tổng nhu cầu vốn) huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân và tranh thủ nguồn vốn từ chi trả môi trường rừng (khoảng 1.000 tỷ đồng/năm).
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc