Dak Lak là một trong những tỉnh “nóng” về sốt xuất huyết
Tính từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn được ghi nhận xấp xỉ 3.000 ca. Trong đó, bệnh được phát hiện nhiều nhất tại TP. Buôn Ma Thuột (800 ca), Ea Kar (750 ca) và đang có xu hướng tăng cao ở huyện Krông Pak.
Những ngày này, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh liên tục tiếp nhận các ca bệnh mắc SXH mới. |
Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Dak Lak hiện là một trong những “điểm nóng” về SXH của cả nước. Năm nay diễn biến bệnh SXH trên địa bàn có nhiều điểm khác với những năm trước, đó là xuất hiện 3 trong tổng số 4 tuýp lưu hành của SXH, trong đó có tuýp DEN 2 gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh; dịch không xảy ra rầm rộ mà xảy ra rải rác ở tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố.
Đánh giá của ngành chức năng cho thấy, ngoài nguyên nhân do tỉnh ta tiếp giáp với các địa phương đang có dịch SXH như: Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Phước, Gia Lai thì việc dịch bệnh SXH bùng phát mạnh trên địa bàn còn do thói quen tích trữ nước mưa của người dân ở một số địa phương trong tỉnh, trong khi đó việc vệ sinh dụng cụ chứa nước lại ít được người dân quan tâm thực hiện thường xuyên, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và gây bệnh.
Chính vì vậy, để đạt được hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh SXH, ngoài biện pháp chung là phun tẩm hóa chất diệt muỗi, giám sát véc tơ, tuyên truyền, vận động nhân dân vệ sinh môi trường…, ngành Y tế còn thực hiện các biện pháp riêng đối với đặc thù của từng địa phương. Đơn cử: tại huyện Ea Kar, ngành vận động nhân dân thành lập các tổ, nhóm dọn vệ sinh môi trường, xử lý các dụng cụ chứa nước, trực tiếp mua cá mang đến từng nhà và hướng dẫn người dân cách thả cá vào bể nước diệt lăng quăng; tại TP. Buôn Ma Thuột, ngành Y tế tăng cường công tác phát hiện sớm ca bệnh và xử lý ổ dịch không để lây lan, đối với những phường có nguy cơ tăng mạnh số mắc SXH thì tiến hành phun hóa chất chủ động.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc